Sạt lở nghiêm trọng ở ĐBSCL do khai thác thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong?

PV-Thứ năm, ngày 29/03/2018 15:29 GMT+7

VTV.vn - Câu hỏi trên đã được ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai trả lời trong Hội nghị diễn ra vào sáng 29/3 tại Hà Nội.

Sáng 29/3, Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, thành phố Hà Nội. Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

Tại Hội nghị lần này, ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã trao đổi về tình trạng sạt lở bờ sông ở Đồng bằng sông Cửu Long.

"Từ năm 2010 trở về trước, sạt lở và bồi lắng các dòng sông và bờ biển nơi đây theo quy luật tự nhiên chung và tạo cân bằng tương đối. Song từ năm 2010 đến nay diễn biến sạt lở diễn ra rất nhanh và ngày càng phức tạp, tác động lớn đến phát triển kinh tế-xã hội của khu vực này" - ông Nguyễn Trường Sơn cho biết - "Qua công tác quản lý và báo cáo của các địa phương, trên địa bàn các tỉnh vùng ĐBSCL hiện có 562 điểm bờ sông, bờ biển bị sạt lở, với tổng chiều dài 786 km, trong đó có 513 điểm sạt lở bờ sông với tổng chiều dài 520km và 49 điểm sạt lở bờ biển với tổng chiều dài 266km. Sạt lở đặc biệt nguy hiểm 40 điểm gồm 266km".

Bên cạnh yếu tố đặc điểm vị trí địa lý, các nguyên nhân chính gây ra hiện trang trên đã được ông Nguyễn Trường Sơn đưa ra cụ thể. Theo đó, một trong những nguyên nhân gây ra sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long là do các nước trên thượng nguồn sông Mê Kông gia tăng các hoạt động kinh tế, tập trung vào thủy điện, gây ra hệ lụy tiêu cực đối với Đồng bằng sông Cửu Long. Trong tương lai gần, số lượng hồ chứa được quy hoạch trên thượng lưu sông Mê Kông sẽ là 161 công trình với tổng dung tích 101,9 tỷ m3. Do đó dẫn đến lượng phù sa, bùn cát về Đồng bằng sông Cửu Long suy giảm chỉ còn dưới 20% so với trước năm 2012.

Đặc biệt, việc khai thác nước ngầm quá mức cũng đang gây sụt lún đất tăng dần trong những năm qua. Trong 25 năm (1991-2016), nhiều vùng ở Đồng bằng sông Cửu Long mực nước ngầm hạ xuống hơn 5m, gây nên sụt lún đất trung bình cho toàn khu vực 1,1cm/năm, có những nơi sụt lún 2,5cm/năm, cao gấp 10 lần so với tốc độ nước biển dâng.

Dự báo trong những năm tới nạn ngập lụt tại đây sẽ tăng mạnh, nhất là vùng ven biển và giữa đồng bằng. Vùng ven biển ngập triều cũng gia tăng, đe dọa sự tồn tại của hệ sinh thái ven biển và rừng ngập mặn. Xói lở sông, kênh và bờ biển sẽ rất khó lường, nên việc mất đất sẽ nghiêm trọng hơn. Bởi vậy, việc xây dựng kế hoạch hành động toàn diện cả quản lý và kỹ thuật cần phải tiến hành ngay từ bây giờ trước khi mọi cố gắng đều trở nên quá muộn.

Theo đó, ngày 17/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu trong đó chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó với sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển bao gồm việc xây dựng Đề án bảo vệ bờ biển, củng cố nâng cấp hệ thống đê biển, phòng chống xói lở bờ biển; tập trung đầu tư xử lý ngay những đoạn xói lở, sạt lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng; xây dựng quy hoạch chỉnh trị sông gắn với quy hoạch sử dụng đất ven sông theo hướng dành không gian thoát lũ, xây dựng công trình giao thông kết hợp với đê điều; bố trí, sắp xếp lại dân cư ven sông, kênh, rạch kết hợp xây dựng nông thôn mới.

Đối với thượng nguồn phải tăng cường Hợp tác quốc tế quản lý bền vững sông Mê Kông về khai thác nguồn nước và bùn cát; đối với vùng đồng bằng phải có biện pháp rà soát, chỉ cấp phép khai thác cát với khối lượng hợp lý đảm bảo sự cân bằng tương đối; thống nhất giao một đầu mối cấp phép khai thác cát trên các dòng sông; sử dụng hợp lý bùn cát nạo vét để san lấp, đắp đê, làm đường; giám sát chặt chẽ, có chế tài xử phạt làm rõ trách nhiệm của các cấp; nghiên cứu đề xuất các giải pháp: thay thế cát san lấp và cát xây dựng; tiến tới không sử dụng cát để san lấp.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng quản lý chặt chẽ việc xây dựng nhà ở, công trình ven sông để hạn chế chất tải lên bờ sông, kênh rạch, cản trở dòng chảy; quy hoạch chỉnh trị sông gắn với quy hoạch dân cư, quy hoạch sử dụng đất vùng ven sông theo hướng dành không gian thoát lũ, xây dựng công trình giao thông, đê điều; bố trí, sắp xếp từng bước di dời dân ra khỏi bờ sông, lòng kênh, rạch, ưu tiên những nơi có nguy cơ cao về sạt lở; điều tra, cập nhật cơ sở dữ liệu liên quan đến sạt lở bờ sông; nghiên cứu toàn diện về sự thay đổi lòng dẫn, dòng chảy sông Mê Kông, chế độ thuỷ văn, cân bằng bùn cát; xây dựng cơ chế xã hội hóa trong việc huy động nguồn lực, để đầu tư xây dựng và quản lý vùng ven sông.

Ngoài ra, ưu tiên giải pháp mềm như nuôi giữ bãi, trồng rừng ngập mặn; bên cạnh đó ứng dụng công nghệ giải quyết khu vực sạt lở phức tạp đảm bảo bền vững, không gây sạt lở lan truyền.

Sạt lở đe dọa cuộc sống hàng chục hộ dân dọc bờ sông Hậu, Vĩnh Long Sạt lở đe dọa cuộc sống hàng chục hộ dân dọc bờ sông Hậu, Vĩnh Long

VTV.vn - Hàng chục hộ dân đang sinh sống cạnh sông Hậu thuộc phường Thành Phước, Thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long luôn bất an vì tình trạng sạt lở liên tục xảy ra.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước