Sáu chủ nhân giải Nobel và Field đến “Gặp gỡ Việt Nam” 2016

VTV News-Thứ tư, ngày 06/07/2016 08:43 GMT+7

VTV.vn - GS Ngô Bảo Châu (chủ nhân giải Field) và 5 GS đoạt giải Nobel sẽ tham gia các hoạt động trong khuôn khổ chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” 2016.

Chương trình được tổ chức từ ngày 7 - 8/7 tại Trung tâm Khoa học và giáo dục liên ngành (Quy Nhơn, Bình Định).

Trong khuôn khổ của Gặp gỡ Việt Nam lần thứ XII sẽ có 12 hội nghị khoa học quốc tế và 3 lớp học Vật lý chuyên đề quốc tế.

Tâm điểm của chuỗi chương trình Gặp gỡ Việt Nam là Hội nghị quốc tế “Khoa học cơ bản và xã hội”, được sự hỗ trợ của UNESCO, đồng tổ chức bởi Bộ KH&CN, Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam và UBND tỉnh Bình Định; phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu nguyên tử châu Âu, Viện quốc tế SOLVAY, để kỷ niệm 50 năm Gặp gỡ Moriond do GS Trần Thanh Vân sáng lập từ năm 1966.

Về tổng thể, Gặp gỡ Việt Nam năm nay sẽ quy tụ hơn 1.600 nhà khoa học quốc tế đến tham dự. Trong đó, riêng sự kiện đặc biệt là Hội nghị “Khoa học cơ bản và xã hội” có khoảng 250 đại biểu từ lãnh đạo Đảng và Nhà nước; các nhà khoa học quốc tế và trong nước; đặc biệt là sự có mặt của 6 giáo sư đoạt các giải Nobel về Vật lý, Hóa học, Kinh tế, Hòa bình, Huy chương Field; nhiều chính khách của các nước và các tập đoàn kinh tế lớn phát triển từ nền tảng khoa học và công nghệ trên thế giới.


Các nhà khoa học hàng đầu tham dự chương trình Gặp gỡ Việt Nam

Các nhà khoa học hàng đầu tham dự chương trình Gặp gỡ Việt Nam

Cụ thể, Gặp gỡ Việt Nam 2016 là nơi hội tụ của 5 giáo sư đoạt giải Nobel như: GS. David Gross - Nobel Vật lý 2004, GS. Jerome Friedman - Nobel Vật lý 1990, GS. Kurt Wüthrich - Nobel Hoá học 2002, GS. Finn Kydland - Nobel Kinh tế 2004, GS. Jean Jouzel – Nguyên Phó Chủ tịch của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), Nobel Hòa bình 2007.

Bên cạnh đó, chương trình năm nay cũng chào đón sự trở về của các giáo sư danh tiếng Việt Nam trên thế giới, như: GS Ngô Bảo Châu - Huy chương Field Toán học năm 2010, ĐH Chicago (Mỹ); GS Đàm Thanh Sơn - Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ, ĐH Chicago, GS. Trịnh Xuân Thuận (NASA, Mỹ), GS. Phạm Quang Hưng (Đại học Virgina, Mỹ), TS. Nguyễn Trọng Hiền (NASA, Mỹ)...

Bên cạnh các hội nghị và lớp học vật lý, chương trình Gặp gỡ Việt Nam 2016 sẽ có các buổi nói chuyện đại chúng tại Quy Nhơn và Hà Nội, với sự tham gia của các nhà khoa học đầu ngành. Cụ thể là buổi nói chuyện và giao lưu với GS. Kurt Wüthrich được tổ chức vào ngày 6/7/2016; buổi nói chuyện và giao lưu với GS. Trịnh Xuân Thuận vào ngày 8/7/2016, buổi nói chuyện và giao lưu với GS. Finn Kydland - Nobel Kinh tế 2004 vào ngày 12/7/2016 tại Hà Nội.

Chương trình Gặp gỡ Việt Nam là một trong những hoạt động của Hội Gặp gỡ Việt Nam thành lập từ năm 2013, nhằm mục đích tham gia chương trình phát triển khoa học và giáo dục quốc gia.

Các nhà khoa học danh tiếng sẽ đến dự hội nghị "Khoa học cơ bản và xã hội" tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành, Bình Định năm 2016:

GS Ngô Bảo Châu - Huy chương Field 2010:

Ngô Bảo Châu là nhà toán học nổi tiếng với công trình chứng minh Bổ đề cơ bản cho các dạng tự đẳng cấu do Robert Langlands và Diana Shelstad phỏng đoán. Ông cũng là người Việt Nam đầu tiên giành được Huy chương Fields. Tính đến năm 2010, ông là nhà khoa học trẻ nhất Việt Nam được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước Việt Nam phong học hàm giáo sư. Hiện tại GS. Ngô Bảo Châu là giáo sư của ĐH Chicago (Mỹ) và đồng thời là Giám đốc khoa học của Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán (Vietnam Institute for Advanced Study in Mathematics) tại Hà Nội.

GS. David Gross - Nobel Vật lý 2004

Giáo sư David Jonathan Gross là một nhà Vật lý người Mỹ nghiên cứu về lĩnh vực hạt cơ bản và lý thuyết dây. Phát hiện "tiệm cận tự do" đã mang đến cho ông, cùng với Frank Wilczek và David Politzer (nghiên cứu độc lập), giải thưởng Nobel Vật lý vào năm 2004.

Ông tốt nghiệp tiến sĩ về Vật lý tại Đại học Berkeley (Hoa Kỳ) năm1966. Hiện là thành viên thường trực và chủ tịch Ban Giáo sư Vật lý Lý thuyết của Viện Vật lý lý thuyết KAVLI, là giáo sư Vật lý của trường Đại học California, Santa Barbara, Hoa Kỳ, là thành viên danh dự của Viện Hàn Lâm Khoa học Quốc gia Mỹ.

GS. Jerome Friedman - Nobel Vật lý 1990

Jerome Isaac Friedman là một nhà Vật lý người Mỹ. Năm 1990, ông đồng giải Nobel về vật lý với Henry W. Kendall và Richard E. Taylor cho việc chứng minh cấu trúc bên trong của hạt proton. Công trình của ông và các cộng sự là nền tảng cho việc phát triển mô hình quark trong vật lý hạt.

Ông tốt nghiệp tiến sĩ vật lý tại Đại học Chicago, Hoa Kỳ năm 1956. Hiện là giáo sư tại MIT (Massachusetts Institute of Technology, Hoa Kỳ), chức vụ ông đảm nhận từ năm 1960.

GS. Kurt Wüthrich - Nobel Hóa học 2002

Giáo sư Kurt Wuthrich là nhà Hóa học, nhà Vật lý, nhà Toán học người Thụy Sỹ. Ông đoạt Giải Nobel Hóa học năm 2002 cùng với Tanaka Kōichi và John B. Fenn cho công trình nghiên cứu về việc dùng phổ cộng hưởng từ để xác định cấu trúc ba chiều của các đại phân tử sinh học trong dung dịch.

Ông tốt nghiệp Tiến sĩ tại Trường Đại học Basel (Thụy Sĩ) 1964. Hiện ông đảm nhiệm các chương trình và dự án nghiên cứu tại phòng thí nghệm ở ETH Zurich và Viện Nghiên cứu Scripps tại La Jolla, California, là thành viên của ban Cố vấn Lễ hội Khoa Học và Công Nghệ Hoa Kỳ và là thành viên nước ngoài của Hội Hoàng gia Thụy Điển (ForMemRS) từ năm 2010.

GS. Finn Kydland - Nobel Kinh tế 2004

Giáo sư Finn Erling Kydland là nhà kinh tế học người Na Uy. Kydland được trao giải Nobel Kinh tế năm 2004 (cùng với Edward C. Prescott) "cho những đóng góp của họ về kinh tế vĩ mô động: thời gian nhất quán của các chính sách kinh tế và động lực thúc đẩy chu trình kinh doanh".

Ông hiện là Giáo sư kinh tế tại Đại học California, Santa Barbara . Ông cũng giữ chức danh giáo sư ưu tú mang tên Richard P. Simmons tại Trường kinh tế Tepper thuộc Đại học Carnegie Mellon nơi ông nhận bằng tiến sĩ và một vị trí bán thời gian tại Trường kinh tế Na Uy (NHH).

GS. Jean Jouzel – Nguyên Phó Chủ tịch của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), Nobel Hòa bình 2007

Ông tốt nghiệp tiến sĩ tại Trung tâm Nghiên cứu về Nguyên tử Pháp vào năm 1974. Ông gia nhập nhóm chuyên gia quốc tế về biến đổi khí hậu (IPCC) từ năm 1994 và hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị của nhóm này. Năm 2007 ông nhận giải Nobel Hòa bình cùng với nhóm IPCC.

Là chuyên gia về khí hậu và giám đốc nghiên cứu tại CEA, Pháp. Nghiên cứu của ông bao gồm việc mô phỏng các vùng khí hậu đã từng hiện hữu trên địa cầu dựa trên cơ sở các kết quả nghiên cứu và khảo sát các vùng đá băng Nam Cực và Greenland.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước