Nhiều ý kiến khác nhau về kế hoạch đầu tư công trung hạn
Sáng 28/5, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Thẩm quyền quyết định danh mục, mức vốn cho từng dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn là vấn đề đại biểu quan tâm tại buổi thảo luận này.
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) nêu ý kiến: "Sở dĩ kế hoạch đầu tư công trung hạn có trục trặc, không thực hiện được theo Luật Đầu tư công là do năng lực của bộ máy tham mưu của Chính phủ chưa làm tròn trách nhiệm mà Quốc hội trao".
Liên quan đến thẩm quyền quyết định danh mục, mức vốn cho từng dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, nhiều ý kiến cho rằng, Quốc hội quyết định là hoàn toàn khả thi, không mất thời gian nếu Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, đúng nguyên tắc, định hướng và khi đầu tư từ trung ương không dàn trải hàng ngàn công trình như hiện nay mà chỉ tập trung vào một số ít công trình lớn, quan trọng, liên kết vùng miền là những cú huých tạo động lực tăng trưởng.
"Quốc hội quyết định mới bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền hạn về phân bổ ngân sách trung ương theo Hiến pháp, vì dự án là linh hồn của kế hoạch đầu tư. Xem xét kế hoạch đầu tư mà không xem xét từ dự án, mức vốn cho từng dự án thì chỉ là hình thức, vì không xem từng dự án thì không thể cộng ra tổng tiền của kế hoạch và cũng không thể biết việc đầu tư có phù hợp với nguồn lực, tuân thủ định hướng đầu tư, nguyên tắc phân bổ vốn hay không", đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nhấn mạnh.
Ông cho rằng, Quốc hội quyết định danh mục, mức vốn cho từng dự án đầu tư từ ngân sách trung ương cũng là thông lệ của nhiều nước trên thế giới.
"Tuy nhiên, việc ngân sách trung ương đầu tư hàng ngàn công trình chưa thể khắc phục ngay; cải thiện chất lượng kế hoạch Chính phủ trình không thể một sớm, một chiều nên sẽ là linh hoạt hơn và vẫn bảo đảm thẩm quyền của Quốc hội nếu giữ như Luật hiện hành là Chính phủ trình Quốc hội danh mục, mức vốn để Quốc hội thảo luận nhưng không qui định cứng Quốc hội quyết định danh mục, mức vốn cho từng dự án", đại biểu Hàm nói.
ĐBQH Hoàng Quang Hàm cho rằng, tùy chất lượng kế hoạch, Quốc hội có thể quyết định hoặc giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định hoặc giao cho Chính phủ quyết định sau khi xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như đang làm hiện nay.
ĐBQH Hoàng Quang Hàm. Ảnh: Quochoi.vn
Trong quá trình thảo luận, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) cho rằng, để đảm bảo quan điểm khi xây dựng dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) là phân cấp, phân quyền mạnh, gắn với quy định rõ trách nhiệm, cần phải rõ trách nhiệm, kiểm tra, giám sát đảm bảo điều hành thực hiện kế hoạch đầu tư công linh hoạt, hiệu quả, sát thực tế, phù hợp với quy định của pháp luật.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) cho rằng, giải trình của Chính phủ về việc giao Chính phủ quyết định, điều chỉnh danh mục dự án theo kế hoạch đầu tư công trung hạn được Quốc hội thông qua là chưa thuyết phục. Vấn đề cần "mổ xẻ" là đầu tư công thời gian qua chậm do vướng quy định của pháp luật hay khâu tổ chức thực hiện chưa đạt yêu cầu. Nếu do vướng quy định của pháp luật, cần "mổ xẻ" để sửa luật nhưng nếu pháp luật đã phù hợp, không có cản trở mà là do khâu tổ chức thiếu đồng bộ, nhất quán, thiếu sự tập trung, làm chậm trễ thì phải điều chỉnh ở khâu này.
Từ thực tiễn thực hiện của Thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu cho biết, vướng chủ yếu từ khâu tổ chức thực hiện. Bà Tâm đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ vấn đề này.
"Giải trình của Chính phủ có nói là sợ mất thời gian của Quốc hội, tôi nghĩ đây không phải là vấn đề. Những vấn đề quan trọng của quốc gia thì cần bao nhiêu thời gian, Quốc hội cũng có thể đảm đương được và đó là sự cần thiết", đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho hay.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ: "Chúng tôi hoàn toàn đồng ý thẩm quyền này thuộc về Quốc hội". Bộ trưởng Dũng cho rằng, kế hoạch đầu tư công trung hạn chỉ là một khung cho cả 5 năm, còn Quốc hội vẫn quyết định, phê duyệt và giao kế hoạch ngân sách cho từng dự án theo ngân sách hàng năm. Tuy nhiên, với 9.600 dự án của nhiệm kỳ vừa rồi và cũng khoảng chừng đó dự án trong nhiệm kỳ tới là một khối lượng rất lớn, nếu Quốc hội thực hiện quyền của mình để quyết định vấn đề này, liệu có khả thi không?".
Vị tư lệnh ngành cho rằng, "nếu giao cho Chính phủ điều hành thì linh hoạt hơn, nhẹ hơn cho công việc của Quốc hội", vì Quốc hội một năm có 2 kỳ họp, mỗi kỳ 1 tháng nhưng có rất nhiều nội dung, công việc,nếu chỉ sa đà vào thực hiện một việc sẽ rất khó cho Quốc hội và tính khả thi yếu đi.
Trước những ý kiến còn khác nhau, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết sẽ xin ý kiến đại biểu Quốc hội thông qua hệ thống công nghệ thông tin. Ông đề nghị các đại biểu nghiên cứu trước để thể hiện ý kiến bằng hệ thống điện tử vào sáng 29/5, trước khi thảo luận tổ.
Làm rõ nguyên nhân đầu tư công dàn trải, kém hiệu quả
Trao đổi bên hàng lang Quốc hội, đại biểu đã phân tích, làm rõ nguyên nhân của tình trạng đầu tư công dàn trải, kém hiệu quả; đồng thời đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư công thời gian tới. Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) chia sẻ, khi các dự án đầu tư công chậm triển khai, ảnh hưởng lớn đến tốc độ phát triển kinh tế hàng năm. Tuy nhiên, theo đại biểu Kiên, cần bình tĩnh tìm hiểu rõ nguyên nhân của tình trạng này là do Luật có vấn đề hay do quy trình thực hiện.
Dự án metro Bến Thành - Suối Tiên bị đội vốn gần gấp đôi. Ảnh: Dân Trí
"Với tư cách người tham gia xây dựng Luật Đầu tư công từ khóa XIII, tôi cho rằng, việc thiếu kinh nghiệm trong triển khai thi hành Luật chiếm tỷ trọng lớn hơn là các quy định trong Luật khiến các dự án đầu tư công chậm triển khai vốn", đại biểu Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh.
Dẫn chứng tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên đội vốn gần gấp đôi, hay việc chậm giải ngân dự án đầu tư cho các bệnh viện tuyến cuối tại Hà Nội, TP.HCM, đại biểu Nguyễn Đức Kiên cho rằng, đó là do quá trình thực hiện, đặc biệt trách nhiệm của người triển khai chứ không phải vướng mắc do Luật.
Vấn đề thời gian trình và phê duyệt Kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến đại biểu Quốc hội theo 2 phương án. Phương án 1 là Quy định Quốc hội khóa mới xem xét, quyết định Kế hoạch đầu tư công trung hạn tại kỳ họp đầu của nhiệm kỳ Quốc hội mới. Phương án 2 là giữ như quy định của Luật hiện hành và dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, theo đó, Quốc hội quyết định Kế hoạch đầu tư công trung hạn của giai đoạn sau tại kỳ họp cuối năm của năm thứ 5 Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!