Nguy cơ mất an toàn của các chung cư vẫn thường được nhắc đến gắn với trách nhiệm của các chủ đầu tư hay Ban quản lý. Tuy nhiên, cũng có không ít vấn đề xuất phát từ chính các hộ cư dân, khiến cho nhiều chung cư trở nên lộn xộn và nhanh xuống cấp. Điển hình như việc cho thuê lại để làm văn phòng.
Mặc dù việc cấm sử dụng chung cư xây để ở làm văn phòng hay địa điểm kinh doanh là quy định đã có từ lâu và tháng 6 vừa qua là hạn chót để các văn phòng vi phạm phải rời đi. Tuy nhiên, không khó để bắt gặp tình trạng sử dụng căn hộ chung cư làm văn phòng hay kinh doanh vẫn diễn ra phổ biến.
Tòa chung cư tại khu Trung Hòa, Nhân Chính, Hà Nội có 8 căn trên 1 tầng. Một nửa trong số đó đang được sử dụng làm văn phòng công ty và để bán hàng. Đại diện tổ dân phố cho biết, các văn phòng gây không ít bất tiện về quá tải thang máy, chỗ để xe. Dù đã có quy định cấm, nhưng không có đơn vị nào đi kiểm tra hay nhắc nhở xử phạt.
Các luật sư cho rằng, nếu chỉ có quy định, nhưng không có các chế tài kèm theo, thì rất khó kiểm soát việc các doanh nghiệp đặt văn phòng tại chung cư.
Đại diện Bộ Xây dựng cũng thừa nhận, đã có nhiều văn bản đề cập đến việc cấm sử dụng chung cư làm văn phòng, nhưng thực thi chưa hiệu quả. Tuy nhiên, đại diện Bộ khẳng định, hiện nay, cấm sử dụng chung cư làm văn phòng đã được luật hóa trong Luật Nhà ở, có hiệu lực từ tháng 7/2015. Vì vậy, việc sử dụng trái công năng của chung cư chắc chắn phải bị xử lý. Hiện, các cơ quan chức năng đang xây dựng dự thảo bổ sung để có chế tài xử phạt tiền đối với hành vi làm trái luật.
Đại diện Bộ Xây dựng cũng cho biết, trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định cấm dùng căn hộ chung cư làm văn phòng thuộc về chính quyền địa phương. Hiện nay, các doanh nghiệp nếu đặt địa điểm làm việc tại các chung cư dùng để ở cũng sẽ không được chấp thuận giấy phép kinh doanh.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!