Số phận của hàng cây trên đường Kim Mã giờ ra sao?

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 29/05/2020 18:08 GMT+7

VTV.vn - Hơn 100 cây trên đường Kim Mã bị đốn hạ, di dời để phục vụ cho công trình đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội hiện đang bị bỏ mặc, hàng chục cây đã chết khô.

Tháng 10/2016, hình ảnh của hàng cây xanh trên phố Kim Mã, trong đó có hơn 30 cây xà cừ cổ thụ được di chuyển thay vì chặt hạ đã làm yên lòng những người yêu cây… Bởi sắc xanh đã được cứu. Thế nhưng, sau gần 4 năm, số phận của những hàng cây được giải cứu này có thực sự đã được cứu?

Gần 1/3 số cây đã chết khô

"Chết rồi, chết hết rồi. Nếu còn không chăm sóc còn chết nữa. Cây to, cây nhỏ khoảng 30 chục cây". Đó là lời chia sẻ của ông Nguyễn Văn Hưng – chủ cho thuê đất tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, để ươm hơn 100 cây xanh chuyển về từ phố Kim Mã. Khi đi một vòng quanh khu vườn ươm, không khó để thấy những cây chết khô với lớp vỏ bong tróc. Nhiều cây, phần ruột gỗ cũng đã bị mục nát.

Số phận của hàng cây trên đường Kim Mã giờ ra sao? - Ảnh 1.

Nhiều cây xanh đã bị chết khô, mục thân

Thế nhưng, thực tế trước khi gần 1/3 số cây bị chết khô, hơn 100 cây xanh này đã có giai đoạn đầu sinh trưởng rất tốt, khi được chăm sóc cẩn thận. "Gần như 100% cây xanh đã đâm chồi, nảy lộc. Tôi nhớ chỉ còn có 1 cây là không đâm chồi", ông Hưng nói.

Công ty Beepro cũng đã từng mời các cơ quan thông tấn báo chí đến thăm vườn ươm vào năm 2017 để công bố về sự sinh trưởng tốt của số cây này với tỷ lệ hơn 90%. Tuy nhiên, theo ông Hưng, việc chăm sóc này lại chỉ diễn ra trong vài tháng, chưa đủ cây có lực sống tiếp, đã bị bỏ mặc.

"Không tưới, không làm cỏ nên cây cứ rạc đi rồi chết dần. Cây mục ra như đất. Đấy là do nguyên nhân chết róc thiếu nước gây nên. Ngay cả những cây đã mọc cành, mọc chồi cũng lụi rồi chết", ông Hưng chia sẻ.

Cũng theo ông Hưng, vì quá tiếc những cây cổ thụ có tuổi bằng cả đời người. Nên dù chỉ là chủ cho thuê đất, không được bàn giao hay có trách nhiệm chăm sóc cây, ông cũng đã cố gắng để tưới nước, phát cỏ và chăm sóc vườn ươm. Tuy nhiên, mình ông cũng không thể đảm đương công việc này trong suốt thời gian dài.

"Ma trận" văn phòng của đơn vị di chuyển cây

Ông Hưng cho biết, theo hợp đồng ông ký với Công ty Cổ phần Beepro, hợp đồng thuê đất ươm cây sẽ có giá trị trong vòng 2 năm, từ ngày 17/10/2016 đến ngày 17/10/2018. Chi phí 150 triệu/mỗi năm. Năm đầu tiên, công ty này đã hoàn thành việc thanh toán. Tuy nhiên, sang năm thứ hai, không những không được thanh toán, ông Hưng còn không thể liên lạc được với người đại diện của Công ty ký hợp đồng với mình.

Số phận của hàng cây trên đường Kim Mã giờ ra sao? - Ảnh 2.

Hợp đồng của Công ty Beepro kí với ông Hưng có thời gian 2 năm

Không liên lạc được qua điện thoại, ông Hưng đã tìm đến văn phòng của đơn vị theo hai địa chỉ trên hợp đồng. Địa chỉ đầu tiên là số 20A, ngõ 177 Phùng Khoang, Trung Văn, Nam Từ Liêm là một nhà dân. Người dân cho biết, chưa từng có công ty nào tên Beepro thuê. Ở địa chỉ thứ hai, ông Hưng cho biết: "Không có số nhà nào là 99 Phạm Hùng, chỉ có số nhà 90 Phạm Hùng. Hỏi người dân, họ bảo 99 Phạm Hùng là ngày xưa chỉ có cái gara ô tô bán đồ cũ, nay đã chuyển đi".

Số phận của hàng cây trên đường Kim Mã giờ ra sao? - Ảnh 3.

Các địa chỉ đăng ký và văn phòng giao dịch của Công ty Beepro đều không thấy hoặc không có

Nhờ cậy bạn bè và người quen, ông Hưng tìm được văn phòng của công ty Beepro tại tầng 3 của một tòa nhà ở số 8 Phạm Hùng. Tuy nhiên, dù tìm được văn phòng ông Hưng cũng không thể gặp mặt người đại diện của đơn vị đã ký hợp đồng thuê đất với mình. "Sang trao đổi đến 3 lần vẫn tránh mặt. Toàn trốn, không tiếp. Quay lại lần 3 gặp lại thì công ty lại tiếp tục chuyển đi chỗ khác rồi", ông Hưng nói. Vào cuối năm 2019, ông Hưng tìm thấy văn phòng của công ty này một lần nữa. Và lần này, văn phòng là ở một thùng container.

Số phận của hàng cây trên đường Kim Mã giờ ra sao? - Ảnh 4.

Văn phòng Công ty Beepro là một thùng container?

Cứu cây xanh Hà Nội – khẩu hiệu bị lãng quên

Ông Hưng chia sẻ, 4 năm trước, khi số cây được chuyển về vườn ươm, tấm biển lớn với khẩu hiệu "Cứu cây xanh Hà Nội" của công ty Beepro khiến ông tự hào vì mình trở thành một phần trong hoạt động bảo vệ hàng cây xanh quý của thành phố. Tuy nhiên, sau gần 4 năm, ông lại bị kẹt giữa một hợp đồng thuê đất hết hạn, không thể thanh toán cũng không thể di chuyển cây – để trả lại đất và tiền cho những người ông đã thuê.

Ông Hưng cho biết, mới đây, người của Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cũng đã đến gặp để hỏi về tâm tư của ông. Ông Hưng nói tâm tư của ông lúc này chỉ là các cơ quan ban ngành quản lý xem xét, đánh giá lại xem cây còn trồng được nữa thì mang đi. Những cây yếu rễ yếu không trồng được ở đường Hà Nội với hành lang hẹp có thể trồng ở công viên. Còn nếu để mãi như thế này, không chăm sóc, cây sẽ có thể chết tiếp. Và sau tất cả mọi chuyện, trách nhiệm cuối cùng sẽ thuộc về ai?

Số phận của hàng cây trên đường Kim Mã giờ ra sao? - Ảnh 5.

Khẩu hiệu Cứu cây xanh Hà Nội phải thực hiện một lần nữa?

Trách nhiệm thuộc về ai? Ông Hưng không thể trả lời. Nhưng theo ông, dù trách nhiệm thuộc về ai, khẩu hiệu cứu cây xanh Hà Nội 4 năm trước, một lần nữa đã đến lúc phải được thực hiện.

Năm 2016, Ban Quản lý Đường sắt Đô thị Hà Nội được UBND TP Hà Nội giao nhiệm vụ là chủ đầu tư thực hiện dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm của thành phố đoạn Nhổn - Ga Hà Nội (tuyến số 3), tổ chức thi công dốc hạ ngầm tuyến trên cao đoạn từ đền Voi Phục đến ngã tư Kim Mã - Liễu Giai.

Tháng 8/2016, chủ đầu tư có đề nghị xin cấp phép dịch chuyển cây xanh. Sở Xây dựng Hà Nội đã cấp phép cho Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội dịch chuyển, chặt hạ 109 cây xanh. Trong quyết định, Sở Xây dựng đã giao cho Công ty Cổ phần Beepro thực hiện việc dịch chuyển số cây này về vườn ươm ở xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước