Nhằm thực hiện có hiệu quả một trong ba đột phá chiến lược của Đảng, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao; sáng 30/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đồng chủ trì tổ chức Tọa đàm và Triển lãm "Phát triển nguồn nhân lực ICT trình độ cao: Gắn kết cơ sở giáo dục đại học - doanh nghiệp".
Tọa đàm có sự tham gia của gần 400 đại biểu là đại diện Lãnh đạo Chính phủ, Ban Tuyên giáo TW, Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng Quốc Hội; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính; đại diện một số Sở GDĐT, Sở TT&TT; hơn 100 trường đại học có đào tạo ngành thuộc lĩnh vực ICT, nhiều doanh nghiệp sử dụng nhân lực ICT, Hiệp hội CNTT; sinh viên đến từ một số trường đại học và học sinh đến từ một số trường THPT thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, Việt Nam cũng đang trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng kinh tế số, trong đó lấy công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) làm nền tảng, ngành ICT đã trở thành ngành kinh tế lớn dựa trên tri thức và công nghệ với quy mô 100 tỷ USD và xấp xỉ 1 triệu lao động tri thức.
Tọa đàm là nơi chia sẻ thông tin, thảo luận, đề xuất các giải pháp, chính sách phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ICT trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; là diễn đàn để kết nối các bên liên quan: cơ quan hoạch định chính sách, cơ sở đào tạo cung ứng nguồn nhân lực; các doanh nghiệp, hiệp hội ICT, tổ chức, doanh nghiệp nhân lực ICT và học sinh, sinh viên.
Những ý kiến, đề xuất tại tọa đàm sẽ được tổng hợp, tiếp thu, tham khảo trong quá trình xây dựng cơ chế chính sách nhằm khuyến khích, tăng cường kết nối cung cầu, đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan về nguồn nhân lực ICT.
Hiện có 235 trường, có 50 trường đào tạo CNTT, hàng năm có khoảng 50.000 sinh viên công nghệ thông tin ra trường. Tuy nhiên số lượng so với nhu cầu phát triển doanh nghiệp công nghệ thông tin, nhất là theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ nay đến 2020 có 1 triệu doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó rất ưu tiên khởi nghiệp cntt. Khởi nghiệp cntt là thông minh nhất, tạo ra tăng trưởng nhanh nhất, kết nối nhanh, giá trị gia tăng lớn. Trong đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp cntt ưu tiên vừa trước mắt, lâu dài.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu.
Theo tính toán, mức độ tăng trưởng doanh nghiệp CNTT, nhu cầu việc làm rất lớn, năm 2020 cần 100.000 cử nhân CNTT, điều quan trọng hơn là chất lượng. Theo khảo sát trong số 50.000 cử nhân CNTT ra trường chỉ có 30% làm việc được ngay, có việc làm đúng nghề, 70% phải đào tạo lại.
"Vấn đề đặt ra với các nhà trường đào tạo thế nào, doanh nghiệp thế nào, có nên chỉ là cho học bổng không. Vấn đề ở đây phải đi từ chương trình đào tạo, thiết kế chương trình đào tạo từ nhu cầu của thị trường, tính đến thay đổi khoa học công nghệ.
Chưa khi nào khoa học công nghệ thay đổi nhanh như bây giờ. Chương trình đào tạo phải thiết kế theo nhu cầu và tính đến sự thay đổi, các trường phải tiếp cập thị trường với tinh thần phục vụ chứ chỉ đưa ra những gì mình có sẽ khó thành công. Trong đó lưu ý đến Tiếng Anh, kỹ năng làm việc nhóm", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu.
Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: "Đi từ thực tế, thị trường, cung - cầu, lợi ích, các nhà trường thiết kế chương trình đào tạo học suốt đời, thay đổi phương thức đào tạo giảm bớt hàn lâm, tăng cường đưa sinh viên đi thực tập, thực tập "nhúng mình" vào các doanh nghiệp công nghệ thông tin, như trường y với bệnh viên. Đây là cuộc cách mạng trong đổi mới tư duy, quản trị đại học. quản trị theo mục tiêu.
Sinh viên trong quá trình học tập gắn sâu vào thực tế, hình thành nên những trung tâm đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp, sinh viên CNTT ra trường không chỉ có việc làm mà còn khởi nghiệp tạo việc làm. Nhiều ý tưởng sáng tạo đổi mới từ CNTT nhanh, phương thức đào tạo cũng nhanh. Đào tạo, đổi mới, khởi nghiệp nằm trong chuỗi, cùng nhau trên tinh thần cùng có lợi, hỗ trợ, trách nhiệm vì thế hệ trẻ".
Trong khuôn khổ sự kiện, Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa một số cơ sở GDĐH với đối tác doanh nghiệp ICT cũng được tổ chức.
Song song với Tọa đàm, Triển lãm cùng tên với sự tham gia của 15 trường đại học và 10 doanh nghiệp ICT lớn như Viettel, VNPT, FPT, CMC hay Samsung… diễn ra trong cả ngày 30/3/2019. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu với các trường đại học, với học sinh, sinh viên về công nghệ, sản phẩm, tiềm năng và nhu cầu tuyển dụng, các cơ hội việc làm, cơ hội thực tập, những yêu cầu cụ thể đối với sinh viên khi tốt nghiệp các ngành ICT.
Đồng thời, đây cũng là dịp để các trường đại học có cơ hội giới thiệu với nhà tuyển dụng, với người học về năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học và khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường lao động cũng như những thông tin về hướng nghiệp, tuyển sinh, về các chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực ICT, hỗ trợ việc làm của sinh viên tốt nghiệp, hỗ trợ hướng nghiệp cho học sinh…
Một số hình ảnh tại triển lãm và tọa đàm diễn ra sáng 30/3:
Tọa đàm và triển lãm diễn ra trong cả ngày 30/3 tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Km 10, Đường Nguyễn Trãi, Quận Hà Đông, Hà Nội
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!