Đáng chú ý, sốt xuất huyết không chỉ gia tăng ở cả người lớn, trẻ em, mà các ca bệnh nặng cũng tăng, thậm chí đã có trường hợp tử vong. Nguyên nhân chủ yếu là do bệnh nhân nhập viện muộn, không còn khả năng đáp ứng điều trị.
Tính từ đầu năm 2014, cả nước ghi nhận hơn 15.400 trường hợp mắc bệnh, trong đó đã có 10 trường hợp tử vong tại các tỉnh, thành phố. Ở phía Nam, sốt xuất huyết lưu hành quanh năm nên nhiều người có phần chủ quan. Hơn nữa, người bị bệnh thường có dấu hiệu ban đầu là sốt, đau họng, tiêu chảy nên dễ bị chẩn đoán nhầm nếu không theo dõi sát và điều trị ở bệnh viện.
Trẻ em thường chỉ mắc sốt xuất huyết đơn thuần, nhưng với người lớn, sốt xuất huyết còn đi kèm với triệu chứng của bệnh nền khác, gây nên nhiều biến chứng nặng nên diễn biến bệnh phức tạp hơn.
Sốt xuất huyết thường có biểu hiện sốt cao liên tục từ 3-5 ngày sau đó chuyển sang giai đoạn sốc, biến chứng… người dân cần đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh nguy cơ bệnh diễn tiến nặng. Đặc biệt, tại khu vực sinh sống, các hộ gia đình không nên để bất kỳ đồ vật nào chứa nước mưa tạo môi trường sinh sản cho muỗi.