Đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy nằm ở lưu sông Sê Kông thuộc tỉnh Attapeu của Lào. Sự cố vỡ đập gây ngập lụt nghiêm trọng. (Ảnh: Attapeu Today)
Theo nhận định của đại diện Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Bộ NN&PTNT, mực nước lũ sông Mê Kông đang lên nhanh. Do ảnh hưởng của vỡ đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy, nước lũ về đồng bằng sông Cửu Long đã gia tăng vào cuối tuần (27 - 28/7). Mực nước có thể gia tăng 7 - 10cm so với điều kiện tự nhiên nhưng không làm ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến lũ trên đồng bằng. Mực nước lũ trên đồng bằng gia tăng tự nhiên đến giữa tháng 8/2018 và đạt đỉnh khoảng 3,2m tại Tân Châu.
Cụ thể, theo đại diện Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, vị trí đập cách dòng chính sông Mê Kông theo dòng Sê Kông khoảng 330km tới Stung Treng, vị trí vỡ đập theo dòng Xe-Pian về đến Stung Treng khoảng 270km. Từ Stung Treng về đến biên giới Việt Nam tại Tân Châu là 442 km. Như vậy, tổng khoảng cách các nguồn nước xả ra từ hồ do vỡ đập và chủ động xả về đến biên giới Việt Nam là hơn 710km.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lắng nghe các đại biểu báo cáo tại cuộc họp khẩn ứng phó diễn biến mưa lũ và sự cố vỡ đập thủy điện Xe-pian Xe-Namnoy (Lào).
Đập vỡ từ 20h ngày 23/7, đến ngày 25/7 đã có dấu hiệu ảnh hưởng của nước từ vỡ đập này về đến Stung Treng và Kratie. Mực nước tại Stung Treng tăng 71 cm ngày 25/7 so với trước khi vỡ đập ngày 23/7, mực nước tại Kratie tăng 26 cm so với trước khi vỡ đập. Tuy nhiên, một phần gia tăng mực nước do nước lũ từ đầu nguồn đổ về.
Đại diện Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam dự báo nguồn nước vỡ đập rút về sông Mê Kông tại Stung Treng sẽ hết vào 28/7. Như vậy thời gian ảnh hưởng do gia tăng nước từ vỡ đập này đến ĐBSCL cũng chỉ kéo dài đến ngày 1/8. Theo số liệu của Ủy hội sông Mê Kông, lưu lượng đỉnh lũ tại Kratie ngày 25/7 đạt 40.010 m3/s, dự báo đến ngày 30/7, lưu lượng đỉnh lũ đạt 44.835 m3/s, tăng 4.825 m3/s so với hiện nay (bao gồm cả gia tăng lũ tự nhiên và gia tăng do nước từ vỡ đập thủy điện).
Ông Nguyễn Văn Hải - Phó Cục trưởng Cục ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai cho biết sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào ít ảnh hưởng tới ĐBSCL.
Ông Nguyễn Văn Hải - Phó Cục trưởng Cục ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai cũng cho biết các cơ quan chức năng đã tính toán và đưa ra nhận định ban đầu là sự cố vỡ đập ở Lào ít có tác động đến ĐBSCL. Tuy nhiên, đây là bài học đối với Việt Nam. "Chúng ta cần rà soát, đánh giá tổng thể các hồ chứa thủy điện, thủy lợi trước mùa mưa lũ. Ngoài ra, cần tính toán quan trắc để có thông tin chính xác về lượng mưa, lượng nước… để đánh giá kỹ lưỡng an toàn hồ chứa, đập thủy điện để có giải pháp ứng phó kịp thời", ông Hải chia sẻ.
Một số phân tích của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam về diễn biến nguồn nước trên dòng chính Mê Kông:
Các hồ thủy điện Trung Quốc bước vào giai đoạn tích nước, nước xả về hạ lưu thấp hơn dòng chảy đến hồ.
Diễn biến nước về từ Trung Quốc qua Jinghong, cập nhật ngày 25/7
Do ảnh hưởng của mưa bão và áp thấp nhiệt đới thời gian qua, lũ sông Mê Kông tăng nhanh, tại Kratie đạt 19,78m ngày 25/7, nhỏ hơn báo động cấp I. Hiện lũ tiếp tục lên cường suất 10 - 20cm/ngày.
Diễn biến nước về qua trạm Kratie, cập nhật ngày 25/7
Mực nước nhánh vào hồ Tonle Sạp tại Prek Kdam ngày 25/7 đạt cao trình 6,31m. Hồ đang ở giai đoạn tích nước.
Diễn biến nước trạm Prek Kdam, Biển hồ, cập nhật ngày 25/7
Mực nước các trạm trên dòng chính đang ảnh hưởng của kì triều cao, mực nước cao nhất trong ngày 25/7 tại Tân Châu là 2,51m, Châu Đốc là 2,01m.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!