TS Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, theo công bố của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ít nhất 40% số nạn nhân tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn gây ra. Ông Hùng cũng cho biết, mỗi ngày ở nước ta vẫn có khoảng 22 người tử vong do tai nạn giao thông, một trong những nguyên nhân là vì sử dụng rượu.
"Có rất nhiều lý do để người dân uống rượu, tuy nhiên người dân cần phải có những hành động ngăn chặn tác hại của việc lạm dụng rượu nói riêng và đồ uống có cồn nói chung đối với sức khỏe của con người và an toàn giao thông" - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia nhận định.
Mặc dù quy định xử phạt nồng độ cồn đã được đưa vào Luật Giao thông, tuy nhiên ông Hùng đánh giá, cũng giống như quy định đội mũ bảo hiểm, Việt Nam là một quốc gia được ghi nhận tuyên truyền, phòng chống xử lý nồng độ cồn nhưng hiệu quả chưa cao đó là thói quen, tập quán bởi uống rượu bia trở thành văn hóa, không chỉ ở nước ta mà hầu hết các quốc gia trên thế giới. Đưa ra giải pháp hiệu quả nhất, ông Hùng cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước cần thực hiện một cặp hành động đó là tuyên truyền và xử phạt.
Nhằm tìm kiếm giải pháp giảm thiểu tai nạn giao thông do uống bia rượu, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã thực hiện chuỗi hoạt động "Uống có trách nhiệm và An toàn giao thông năm 2018". Đây là năm thứ 2 chương trình này được tổ chức, gồm các hoạt động chính như: Đào tạo nâng cao hiệu quả công tác thực thi các quy định của pháp luật liên quan đến nồng độ cồn và nâng cao nhận thức "Đã uống rượu, bia – Không lái xe" đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; truyền thông nâng cao nhận thức về uống có trách nhiệm tại cộng đồng; truyền thông, giáo dục cho học sinh trung học phổ thông phòng tránh lạm dụng đồ uống có cồn; nghiên cứu ảnh hưởng của việc lạm dụng rượu bia đến hành vi điều khiển môtô, xe gắn máy.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!