Ảnh minh họa.
Đó là ý kiến của các chuyên gia kinh tế góp ý vào dự thảo Luật quản lý nợ công sửa đổi sắp được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đáng chú ý, các chuyên gia cho rằng, việc quản lý nợ công ở nước ta đang thông qua nhiều đầu mối, trong khi phân định nhiệm vụ của các cơ quan chức năng trong quản lý nợ công đã không còn phù hợp.
Khi góp ý cho dự thảo Luật Quản lý nợ công sửa đổi, đã có ý kiến cho rằng, cần đưa thêm nợ của doanh nghiệp nhà nước, nợ xây dựng cơ bản, nợ hoàn thuế GTGT và nợ của Ngân hàng Nhà nước huy động trong quá trình điều hành chính sách tiền tệ vào phạm vi nợ công.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế lại cho rằng, phạm vi nợ công nên giữ nguyên như Luật Quản lý nợ công hiện hành. Cụ thể, nợ công chỉ bao gồm: nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương.
Đối với nợ công chỉ thuần túy mang tính chất tài khóa nên nó quy định rất rõ đối tượng. Đến nay Luật hiện hành và dự thảo sửa đổi vẫn xác định như vậy theo thông lệ quốc tế. Còn với nợ của DNNN thuộc về lĩnh vực kinh doanh mặc dù nó liên quan đến thẩm quyền và trách nhiệm của CP nhưng điều đó có thể có 1 luật riêng về dự luật các DNNN.
"Nợ của DNNN thuộc về lĩnh vực kinh doanh mặc dù nó liên quan đến thẩm quyền và trách nhiệm của Chính phủ nhưng điều đó có thể có một luật riêng về dự luật các DNNN" - Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), cho biết.
Việc quản lý nợ công hiện có tới 3 cơ quan là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, quản lý nợ công có nhiều đầu mối như vậy sẽ bị phân tán, thiếu gắn kết giữa huy đông vốn vay và thiếu chủ động giám sát trần nợ công.
Đến cuối năm 2015, tỷ lệ nợ công của Việt Nam ở mức 62,2%/GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ là gần 15% tổng thu ngân sách Nhà nước. Trong dự thảo luật này, Bộ Tài chính đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung liên quan tới việc quản lý nợ công, nhằm quản lý nợ chặt chẽ, đảm bảo trả nợ trong và ngoài nước của Chính phủ đầy đủ, đúng hạn và nợ công nằm trong giới hạn an toàn được Quốc hội phê duyệt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!