Một trong những nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm, thảo luận tại phiên họp sáng nay là tình hình nợ công tăng cao, trong khi nhiều dự án, công trình đầu tư với số vốn lớn, nhưng còn để lãng phí, hiệu quả sử dụng thấp.
Về chỉ số an toàn nợ công, các ý kiến cơ bản nhất trí với trần nợ công là không quá 65%, nợ Chính phủ không quá 53%, nợ nước ngoài không quá 50% và đề nghị cần tăng vay nợ trong nước, giảm vay nợ nước ngoài và tái cơ cấu nợ đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.
Trước tình hình nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, các Đại biểu nêu ý kiến đề nghị làm rõ nguyên nhân nợ công và đưa ra giải pháp trong thời gian tới.
Giải trình về vấn đề nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Nguyên nhân là do tăng trưởng kinh tế không đạt theo kế hoạch; thực hiện giá trị GDP không đạt theo dự toán và tái cơ cấu nền kinh tế trong thời gian vừa qua, đặc biệt là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngân hàng thương mại, doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu nông nghiệp chưa đạt được theo yêu cầu.
Trong khi đó, mức chi lại giữ theo tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm mà Chính phủ trình và Quốc hội đã thông qua. Đặc biệt, công tác đảm bảo chi an sinh xã hội, chi giảm nghèo, chi lương trong giai đoạn này tăng, nếu không kể tiền lương tăng đến 18%/năm, cao hơn tốc độ tăng thu và cao hơn tốc độ tăng chi: "Riêng giai đoạn 2011 - 2015 dự toán bội chi của chúng ta là 872.000 tỉ đồng, thực tế thực hiện là 1.027.000 tỉ đồng. Do vậy, riêng về nợ công số tuyệt đối đã tăng lên 1.200.000 tỉ đồng, nợ công tăng nhanh là hoàn toàn đúng" - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.
Các ý kiến đề nghị Chính phủ có biện pháp quyết liệt để cơ cấu lại ngân sách theo hướng tăng thu giảm chi, giảm dần nợ công và bội chi, cần tăng cường phân cấp quản lý cho các địa phương để các địa phương chủ động và tránh phụ thuộc nhiều vào ngân sách trung ương và một số ý kiến đề nghị rà soát lại các tỷ lệ điều tiết giữa trung ương và địa phương cho hợp lý.
"Để giảm được nợ công chúng ta cần làm một trong hai động tác. Thứ nhất, nuôi dưỡng và tăng thu, thứ hai là giảm chi. Chúng tôi thiết nghĩ vấn đề tăng thu cho ngân sách là khó, chúng ta chỉ còn có một con đường để có thể thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch này đó là giảm chi" - đại biểu Phạm Phú Quốc (TP.HCM) cho ý kiến.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm, đoàn Phú Thọ cho rằng: "Chính phủ cần xem xét một cách nghiêm túc để
không cuốn vào vòng xoáy nguồn thu ngân sách sau khi trả nợ xong còn hạn hẹp,
không đủ để bố trí cho nhiệm vụ chi cần thiết, mất cân đối ngân sách".
Nêu giải pháp cho vấn đề kiểm soát nợ công, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh một số giải pháp như tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý nợ công, quản lý ngân sách. Thứ hai là từng bước tiến hành tái cơ cấu lại nợ công. "Đầu tiên tái cơ cấu lại, đẩy mạnh phần nợ trong nước và giảm dần nợ nước ngoài. Đến thời điểm này, nợ trong nước của chúng ta đã lên 57% và nợ nước ngoài của chúng ta 43%. Tái cơ cấu lại kỳ hạn và lãi suất của nợ công. Việc này hai năm vừa qua làm rất tốt" - Bộ trưởng khẳng định.