Với mục đích sắp xếp và tổ chức lại cho phù hợp với tình hình thực tế đối với cơ quan báo chí hoạt động không hiệu quả, đề án "Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025" đã được Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì soạn thảo và trình lên Chính phủ. Được coi là một đề án khó, nhạy cảm và cho dù dự thảo đề án này chưa được công bố, nhưng đề án đã nhận được nhiều sự quan tâm từ các cơ quan trong lĩnh vực báo chí.
Hiện cả nước có hơn 849 cơ quan báo chí với hơn 17.000 người được cấp thẻ nhà báo, tăng gấp 3 - 4 lần so với năm 1986. Tuy nhiên, sự phát triển về số lượng này chưa gắn liền với chất lượng. Sự trùng lặp về tôn chỉ, mục đích cũng như lối tuyên truyền theo kiểu giật gân, câu khách của không ít tờ báo hiện tại đang làm cho uy tín của báo chí bị giảm sút. Trước tình trạng này, việc quy hoạch và sắp xếp lại hệ thống báo chí là cần thiết.
Đồng tình với việc cần phải sắp xếp lại để giúp cho báo chí phát triển lành mạnh, thực sự là "binh chủng" đặc biệt trên mặt trận tư tưởng văn hóa, tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng chia sẻ với cơ quan được giao chủ trì soạn thảo đề án quy hoạch báo chí bởi đây là vấn đề lớn và rất cần có một bước đi thận trọng.
Việc quy hoạch, sắp xếp lại để tạo tiền đề cho báo chí có thêm nguồn lực và các điều kiện cần thiết để phát triển lành mạnh là một chủ trương đúng, nhưng quy hoạch và sắp xếp lại như thế nào cho hiệu quả, theo đúng tinh thần kết luận của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị lần thứ 10 vừa qua vẫn là điều đang được cơ quan chức năng cân nhắc kỹ càng trước khi đưa chủ trương này vào cuộc sống.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!