Thủ tục phiền hà trong khám chữa bệnh, khiến nhiều người không muốn mua bảo hiểm (Ảnh minh họa)
Hiện tại, số lượng nông dân chiếm tới gần 70% dân số Việt Nam nhưng cho tới nay chỉ có 1 triệu người trong số đó tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện. Những thủ tục phiền hà trong khám chữa bệnh và chuyển tuyến được xem là nguyên nhân khiến nhiều người không muốn mua bảo hiểm, cho dù mỗi năm họ chỉ phải trả khoảng 500.000 đồng.
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Xã hội - Dân số gia đình, TW Hội nông dân Việt Nam, có nhiều lý do trong đó một lý do khá phổ biến: “Nếu người dân đưa hai quyển sổ khám chữa bệnh ra cho cán bộ y tế, một sổ kẹp 10.000 đồng và một sổ là thẻ bảo hiểm, cán bộ y tế sẽ khám sổ 10.000 đồng trước”.
Còn theo GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng Hội Y dược học Việt Nam, muốn người dân tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện, những người trực tiếp thực hiện quyền lợi của bệnh nhân thông qua bảo hiểm y tế phải làm đúng trách nhiệm của mình.
“Tôi nghĩ thầy thuốc ở trong bệnh viện phải khám chữa bệnh cho bệnh nhân có bảo hiểm y tế không khác gì đối với bênh nhân khám bệnh thu tiền trực tiếp. Đặc biệt bệnh viện phải có thủ tục đơn giản, thuận tiện cho người dân khi đến khám và điều trị bệnh với bảo hiểm y tế”, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng cho biết.
Hiện nay có 68% dân số tham gia bảo hiểm y tế, trong đó có 2/3 người dân được ngân sách Nhà nước hỗ trợ. Trong khi đó, Việt Nam đặt mục tiêu tới năm 2020, 100% người dân sẽ có bảo hiểm y tế. Ngân sách nhà nước không thể đủ để hỗ trợ cho tất cả mọi người. Như vậy, sự đóng góp của người dân từ tiền túi của chính mình là một nguồn quan trọng.
Khám chữa bệnh chỉ bằng tiền túi chính là cách nhanh nhất khiến người dân rơi vào đói nghèo. Vì vậy bảo hiểm y tế toàn dân, nếu thành công, vừa đạt được mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho toàn dân theo hướng công bằng và hiệu quả, vừa giúp ngăn chặn đói nghèo.