Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Thời, còn gọi là Ba Thời, là thương binh hạng 3/4. Công việc đầu tiên mà ông Ba Thời ưu tiên làm đó là mở lớp học tình thương giữa khóm ngụ cư nghèo Nguyễn Du ngay từ năm 1995. Ông cùng các hội viên cựu chiến binh đi vận động từng em vào học. Lớp học không chỉ dạy chữ mà còn dạy lễ nghĩa, nhân cách sống.
Lớp học này hoạt động được bằng chính tiền lương thương binh của ông Ba Thời. Đồng cảm với ông, nhiều mạnh thường quân đã ủng hộ xây dựng lớp học ngày càng khang trang hơn, chứ ban đầu chỉ trưng dụng từ cái chốt dân phòng tạm bợ.
Nhiều giáo viên về hưu và một số sinh viên của Trường Đại học An Giang cũng hiểu tấm lòng của ông Ba Thời đã đến tham gia hỗ trợ giảng dạy.
Đây là kết quả thật đáng mừng, bởi khóm ngụ cư Nguyễn Du là nơi tập trung lao động nghèo từ Campuchia và một số tỉnh khác của miền Tây về đây thuê nhà trọ rồi bán vé số, phụ hồ sinh sống. Do cha mẹ bận việc mưu sinh nên việc học hành của con em họ gần như để đó, các em trở nên lêu lổng. Vì vậy, sự tiến bộ của các em đã làm cho ông Ba Thời phần nào an tâm, còn cái nghèo thì phải tiếp tục giải quyết. Thế là, từ tiền nhà, tiền lương hưu, tiền trợ cấp thương binh và chế độ hàng tháng của mình ở các tổ chức xã hội, ông đều để dành hỗ trợ cho các cựu chiến binh, gia đình nghèo khó làm ăn.
Đến nay, 100% hội viên cựu chiến binh khóm Nguyễn Du đã thoát nghèo. Từ địa bàn yếu kém, nhiều tệ nạn xã hội nơi đây đã trở thành khóm văn hóa vững mạnh toàn diện. Kết quả này cho thấy vai trò của các cựu chiến binh, những người khi rời quân ngũ vẫn tiếp tục đóng góp cho xã hội và cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Hữu Thời là một điển hình đáng biểu dương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!