Tăng cường công tác quản lý, tổ chức Lễ hội năm 2013

Việt Cường-Thứ sáu, ngày 18/01/2013 18:15 GMT+7

Lễ khai ấn đền Trần Nam Định năm 2102 (Ảnh: KT)

Sáng 18/1, tại Hà Nội, Bộ VH-TT&DL đã tổ chức Hội nghị đánh giá công tác tổ chức, quản lý Lễ hội năm 2012 và triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, biện pháp tăng cường trong năm 2013.  

Việc tổ chức Lễ khai ấn đền Trần Nam Định được nhắc đến tại Hội nghị như một điểm nhấn của năm 2012. Lần đầu tiên, Bộ VH-TT&DL chỉ đạo Viện Văn hóa, Nghệ thuật phối hợp với tỉnh Nam Định xây dựng Đề án tổ chức Lễ Khai ấn đã khắc phục được tình trạng lộn xộn, tiêu cực diễn ra triền miên trước đó. Thay vì phát ấn vào đêm 14 âm lịch như mọi năm, năm Nhâm Thìn, ấn được phát từ 7h ngày 15 âm lịch.

PGS.TS Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam phát biểu: “Phải rất kiên quyết, mạnh dạn thay đổi những mô hình tổ chức không đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của người dân. Cái khó nhất là phải giải quyết được nhận thức của cộng đồng về câu chuyện linh thiêng, câu chuyện quyền lợi, thì chúng ta mới có thể làm được”.

Tuy nhiên, những điển hình như ở đền Trần Nam Định không nhiều. Mặc dù năm 2012 Bộ VH-TT&DL đã quyết liệt kiểm tra đến 60 điểm di tích tại 21 địa phương trên cả nước, nhưng vẫn còn không ít hiện tượng tiêu cực. Một số di tích đặt quá nhiều hòm công đức, nhiều nơi không công khai trong việc thu chi; nạn đốt vàng mã, khấn thuê, xem bói vẫn lộng hành như ở đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), đền Mẫu (Hưng Yên), đền Bắc Lệ (Lạng Sơn), đền Cờn (Nghệ An)… vậy nên công tác quản lý, tổ chức lễ hội trong năm 2013 vẫn rất được quan tâm, đặc biệt là việc thanh, kiểm tra.

Theo ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: “Đã giao nhiệm vụ rồi thì phải gắn trách nhiệm với nhiệm vụ, phải thổi còi với thanh tra viên nào thấy hiện tượng sai trái, tiêu cực mà vẫn làm ngơ. Tôi cho con người vẫn là quan trọng nhất. Trước hết phải củng cố đội ngũ cán bộ, nhân viên quản lý văn hóa, quản lý lễ hội”.

Ông Phan Xuân Phúc, Phó Chánh thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng: “Có các tồn tại như vậy nhưng việc có xử lý đối với thanh tra Bộ hay thanh tra các Sở là khó, bởi chúng ta chưa có các văn bản cụ thể hay chưa có chế tài xử phạt. Ví dụ như việc quăng ném hay cài tiền nơi thờ tự hiện vẫn chưa có văn bản quy định phải phạt thế nào”.

Hòm công đức là vấn đề luôn nhức nhối khi nhắc đến ở các mùa lễ hội. Năm 2012, các địa phương thu về xấp xỉ 300 tỷ đồng tiền công đức, tiền giọt dầu, nhưng con số này đã được sử dụng thế nào, đơn vị nào quản lý hiện vẫn là điều chưa rõ ràng, mỗi nơi một kiểu và thiếu minh bạch.

Nghệ sĩ Nhân dân Mai Tư, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa kiến nghị: “Có nơi thì giao cho nhà chùa thu, nơi thì giao cho ban quản lý thu, nơi thì huyện thu… đề nghị phải có hướng dẫn để thống nhất. Vấn đề thứ hai, Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa phải có sự thống nhất về thu khoản nào, chi khoản nào cho mục đích tôn tạo, trùng tu, xây dựng. Phải rất rõ ràng, rành mạch”.

Mới đây, trong Chỉ thị về tăng cường quản lý, tổ chức lễ hội, lần đầu tiên UBND tỉnh Bắc Ninh đã đưa ra yêu cầu: Nghiêm cấm tất cả các hình thức hát quan họ ngửa nón nhận tiền. Động thái mạnh mẽ của Bắc Ninh được xem là cần thiết để trả lại một môi trường lễ hội trang trọng, lành mạnh sau những hình ảnh phi văn hóa ở các mùa hội trước mà dư luận đã lên tiếng.

Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện cả nước có gần 8.000 lễ hội, trong đó có tới hơn 7.000 lễ hội dân gian, chiếm tới gần 90%. Việc quản lý, tổ chức các lễ hội ở một số địa phương trong những năm gần đây có nhiều diễn biến phức tạp, được dư luận hết sức quan tâm.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước