Phát biểu tại phiên giải trình về giám sát thực hiện chính sách pháp luật trong đào tạo sử dụng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức người dân tộc thiểu số, ông Ksor Phước - Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội đề nghị các cấp, các ngành và địa phương quan tâm và tạo điều kiện hơn nữa để người dân tộc thiểu số có đóng góp và tham gia nhiều hơn trong hệ thống chính trị các cấp.
Theo báo cáo của 5 đoàn giám sát Hội đồng dân tộc, công tác thực hiện chính sách pháp luật trong đào tạo đội ngũ cán bộ công chức, viên chức người dân tộc thiểu số không đồng đều giữa các địa phương. Các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây nguyên làm khá tốt, trong khi các tỉnh phía Nam còn yếu trong khâu đào tạo và bố trí cán bộ. Nhiều nơi còn mang tính cục bộ, hoặc một dân tộc nào đó chiếm ưu thế khi được sắp xếp tuyển dụng vào các vị trí.
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng cán bộ dân tộc thiểu số được cử đi đào tạo nhưng không đáp ứng công việc được giao hoặc phần lớn cán bộ dân tộc chỉ mạnh về mảng văn hóa xã hội và giáo dục, nhưng lại rất yếu về khoa học công nghệ, kinh tế.
Kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cho biết, số lượng cán bộ, viên chức, công chức là người dân tộc thiểu số vẫn còn ít, ở cấp Trung ương, người dân tộc thiểu số cộng lại chiếm chưa tới 5% tổng số cán bộ và người giữ chức vụ lại càng có tỷ lệ thấp hơn nữa. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do có nhiều người dân tộc thiểu số đã tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng nhưng không đáp ứng được yêu cầu công việc.
Trên cơ sở này, Chủ tịch Ksor Phước đề nghị công tác quy hoạch, đào tạo, tuyển dụng cán bộ dân tộc thiểu số cần phải được quan tâm hơn nữa dựa trên nhu cầu thực tế; đồng thời cần phải quán triệt các quan điểm là mọi dân tộc phải bình đẳng, đoàn kết với nhau; phong trào ở đâu thì cán bộ ở đó; tạo nguồn cán bộ thông qua đào tạo, sàng lọc qua các phong trào cơ sở; phải tin dân lấy dân làm gốc và kiên trì bám cơ sở.