Qua giám sát cho thấy, giai đoạn từ giữa năm 2014 đến giữa năm 2018, cả nước đã xảy ra hơn 13.000 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người, thiệt hại về tài sản ước tính 6.500 tỷ đồng và 6.000 ha rừng. Trung bình mỗi năm xảy ra 3.287 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 206 người, thiệt hại về tài sản trị giá 1.631 tỷ đồng và 1.600 ha rừng. Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá, ngoài nguyên nhân chính xảy ra cháy từ sự chủ quan của con người còn nhiều nguyên nhân khác.
Đồng tình với các nội dung được đề cập trong báo cáo giám sát, nhiều đại biểu đề nghị đánh giá lại hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra; công tác phòng cháy, chữa cháy. Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy để bảo đảm tính nghiêm minh trong thực thi luật.
Giải trình làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, hiện có ba luật liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy là Luật Xây dựng, Luật Phòng cháy, chữa cháy và Luật Nhà ở. Tuy vậy, Bộ trưởng cũng thừa nhận, các quy định pháp luật về công tác này còn nhiều hạn chế.
Một vấn đề được rất nhiều đại biểu đề cập đó là chế độ chính sách đối với lực lượng làm công tác cứu hộ cứu nạn còn bất cập, chưa phù hợp với tính chất đặc thù do chưa có quy định về chế độ độc hại trong công tác phòng cháy chữa cháy.
Để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy chữa cháy trong thời gian tới, các đại biểu đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết đánh giá kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy chữa cháy trong thời gian qua; xác định các giải pháp quan trọng để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong hoạt động phòng cháy chữa cháy trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!