Dự thảo này được đánh giá là thống nhất với các thông lệ quốc tế và đặt nền móng quan trọng để thực hiện đường hướng chiến lược trong Chiến lược phát triển giáo dục đại học và Quy hoạch mạng lưới các trường Đại học Việt Nam mà Chính phủ đã đề ra.
Hầu hết những điểm mới trong Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học đều hướng tới mục tiêu đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các trường Đại học, trong cả 4 mặt: chuyên môn, tổ chức, nhân sự và tài chính. Các cơ sở Giáo dục Đại học sẽ được liên doanh, liên kết, hình thành doanh nghiệp để triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học. Nội dung quy định về vai trò quản lý nhà nước đối với Giáo dục Đại học cũng được sửa đổi, theo hướng mở rộng quyền tự chủ của các cơ sở Giáo dục Đại học.
Trong cuộc tọa đàm góp ý cho Dự thảo Luật do trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật về cơ bản đã tạo cơ chế thông thoáng các trường trong lộ trình tự chủ. Đặc biệt, đưa ra cơ chế để Hội đồng trường có thực quyền và có cơ chế kiểm soát độc lập.
Tuy nhiên, theo ý kiến một số chuyên gia, vẫn còn 1 số nút thắt liên quan đến tự chủ đại học chưa được tháo gỡ hoàn toàn trong Dự thảo này.
Luật Giáo dục Đại học ban hành lần đầu tiên vào năm 2012, có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển giáo dục đại học Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, Luật đã dần bộc lộ một số hạn chế, tạo nên những điểm nghẽn, nút thắt trong quá trình thực hiện đổi mới giáo dục Đại học. Đây là lần đầu tiên tiến hành sửa đổi Luật này.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!