Chưa xác định rõ vai trò của Nhà nước trong quản lý hạ tầng đường sắt, thiếu cơ chế và không có quy định cụ thể về ưu đãi, thu hút nguồn lực để phát triển đường sắt, đây là những bất cập được chỉ ra trong Luật đường sắt 2005.
Dự thảo Luật đường sắt 2016 sửa đổi, đang trình Quốc hội khoá 14 thông qua tại kỳ họp này, được kỳ vọng sẽ khắc phục những hạn chế còn tồn tại, đồng thời là tiền đề để phát huy thế mạnh của loại hình vận tải này trong giai đoạn tới.
Trong khi vận tải đường bộ chiếm tỷ trọng trên 61% về hàng hóa và trên 95% về vận tải hành khách, ngành đường sắt chỉ chiếm chưa đến 4% đối với cả 2 lĩnh vực vận tải này.
Đường sắt dù xuất hiện khá sớm, đã từng là phương thức vận tải chủ chốt của cả nước nhưng lại bị tụt hậu suốt một thời gian dài. Ít được đầu tư, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, chất lượng dịch vụ kém và Luật Đường sắt năm 2005 còn nhiều bất cập, khiến đường sắt tiếp tục tụt hậu không phanh.
Theo Dự thảo Luật đường sắt 2016 sửa đổi, tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước quản lý và đầu tư. Về phát triển dịch vụ vận tải sẽ thực hiện theo hướng xã hội hóa, thông qua việc cổ phần hoá những đơn vị hiện hữu, hoặc kêu gọi tư nhân đầu tư trang thiết bị và tổ chức dịch vụ vận tải hành khách, hướng tới chất lượng cao trong tương lai.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!