Trong thời gian gần đây, các cơ quan chức năng và người tiêu dùng đang đau đầu với vấn nạn sự gia tăng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và tình trạng tiêu thụ thực phẩm bẩn tại các quán xá, nhà hàng. Mới đây, các cơ quan kiểm tra đã bắt giữ 4 tấn hàng ruốc bẩn trộn bột mì và hóa chất tại Hà Nội, gây hoang mang dư luận. Được biết, số ruốc này được làm từ thịt gà thiu thối, gà bị tiêm kháng sinh ép đẻ và được bán với giá chỉ 40.000 đồng/kg.
Nói về tác động của ruốc bẩn đến sức khỏe con người, GS.TS Phạm Xuân Đà – Viện trưởng Viện kiểm nghiệm An toàn thực phẩm quốc gia cho biết việc sử dụng các sản phẩm mất vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung và ruốc bẩn nói riêng tồn tại 3 nhóm nguy cơ gây hại.
Nguy cơ đầu tiên là tồn dư các loại hóa chất, bao các hóa chất tẩm ướp, bảo quản và các loại chất cấm khác đang được sử dụng trên thị trường.
Nhóm nguy cơ tiếp theo là về vi sinh vật. Những thực phẩm ôi thiu thường chứa rất nhiều vi sinh vật gây hại. Độc tố của các loại vi sinh vật này rất bền với nhiệt độ và môi trường. Kể cả sau quá trình chế biến thực phẩm, độc tố đó cũng không hề bị mất đi. Ngoài ra, trong nhóm nguy cơ này còn có nấm mốc do công tác bảo quản thực phẩm không tốt, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng.
Nhóm nguy cơ cuối cùng là về vật lý. Những thực phẩm bẩn, ôi thiu thường có nhiều dị vật trong đó, gây nguy hiểm cho người sử dụng. Đặc biệt, các thực phẩm ô nhiễm nặng được chế biến để có vẻ ngoài tươi mới, ngon lành thường không gây ngộ độc cấp tính ngay mà gây ảnh hưởng về lâu, về dài.
Cũng theo GS. TS Phạm Xuân Đà, việc sử dụng những loại thực phẩm có tồn dư kháng sinh sẽ gây nên tình trạng đột biến vi sinh vật, khiến cơ thể con người kháng thuốc và dễ nhiễm các loại vi sinh vật mới, làm quá trình điều trị sau này gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, người chăn nuôi hiện nay cũng thường lạm dụng các loại hormones tăng trưởng và đây là chất ảnh hưởng trực tiếp tới các chức năng của cơ thể, gây ra một số bệnh về chuyển hóa.
GS.TS Phạm Xuân Đà chia sẻ về tác hại của thực phẩm bẩn đối với sức khỏe người tiêu dùng
Làm thế nào để những thực phẩm bẩn đến được với các nhà hàng cũng là một vấn đề được GS.TS Phạm Xuân Đà đề cập tới trong cuộc trò chuyện. Theo ông, các nhà hàng thường có nhiều đầu mối mua hàng mà cơ quan quản lý không thể kiểm soát. Thông thượng, các nhà hàng thường lựa chọn phương pháp chế biến là tẩm bột rán để che mắt và đánh lừa vị giác người tiêu dùng.
GS.TS Phạm Xuân Đà chia sẻ thêm rằng càng sát ngày Tết, số lượng các mẫu xét nghiệm thực phẩm bẩn được gửi về Viện kiểm nghiệm An toàn thực phẩm quốc gia ngày càng tăng. “Lý do là số lượng sản phẩm, hàng hóa phục vụ cho Tết tăng và công tác thanh tra, kiểm tra cũng tăng theo. Từ nay đến hết Tết nguyên đán, các phòng thí nghiệm chắc chắn sẽ rất bận rộn”, ông lý giải.
Chia sẻ về kết quả những mẫu xét nghiệm này, ông nói: “Kết quả lấy từ những mẫu kiểm tra ngẫu nhiên bao giờ cũng khá thấp. Tuy nhiên, những mẫu lấy về sau quá trình điều tra, rà soát có chủ đích bao giờ cũng có tỷ lệ nhiễm bẩn cao”.
Để xem toàn bộ chia sẻ của GS.TS Phạm Xuân Đà, mời quý vị và các bạn theo dõi video dưới đây:
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.