Thảo luận về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia: Không có sự đánh đổi nào cay đắng hơn sự đánh đổi sức khỏe và tương lai

Thùy An-Thứ năm, ngày 23/05/2019 12:07 GMT+7

VTV.vn - Đây là phát biểu đầy tâm huyết của đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) trong phiên thảo luận của dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Sáng nay (23/5), Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Mở đầu phiên thảo luận, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Sau phần báo cáo, hàng loạt đại biểu đã phát biểu ý kiến xoay quanh dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Tại đây tên gọi dự án luật, những rào cản nhằm hạn chế thanh thiếu niên tiếp cận rượu bia, các quy đinh về quảng cáo rượu bia... là những nội dung được các đại biểu tập trung.

Cần nhanh chóng thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia

Thảo luận về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia: Không có sự đánh đổi nào cay đắng hơn sự đánh đổi sức khỏe và tương lai - Ảnh 1.

Đại biểu Quàng Thị Vân (đoàn Điện Biên)

Đây là khẳng định của đại biểu Quàng Thị Vân (đoàn Điện Biên). Theo đại biểu Vân, thời gian qua mức tiêu thụ rượu bia tại Việt Nam không ngừng tăng lên. Dân số Việt Nam đứng thứ 8 châu Á nhưng mức tiêu thụ rượu bia đứng thứ 3. Tổng số vụ TNGT liên quan đến rượu bia ở nam giới là 32,4%, nữ giới là 19,6%.

"Tình trạng lạm dụng rượu bia ở Việt Nam đang trở thành hiểm họa, gánh nặng trong gia đình, xã hội. Tôi đề nghị Quốc hội sớm thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia để luật đi vào cuộc sống và được thực thi một cách nghiêm minh", đại biểu Nguyễn Thị Vân nhấn mạnh.

Không được đánh tráo khái niệm

Phát biểu về dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) đã nhấn mạnh việc kiểm soát nội dung quảng cáo để người dùng, trong đó đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên không nhầm lẫn rằng rằng rượu bia là tốt, khuyến khích sử dụng.

Thảo luận về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia: Không có sự đánh đổi nào cay đắng hơn sự đánh đổi sức khỏe và tương lai - Ảnh 2.

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên)

"Khi tôi khảo sát nhóm trẻ em từ 12 - 16 tuổi về các loại thức uống hiện nay, có đến 87,6% ý kiến trả lời cho thấy các em không nhận thức được đâu là đồ uống có độ cồn từ 4,5% trở lên; 70% trẻ em khi được hỏi sau khi uống rượu bia trả lời rằng có cảm giác lâng lâng, thấy hơi chóng mặt, tim đập nhanh. Nhưng nguy hại ở chỗ gần 80% các em cho biết có thể tiếp tục sử dụng vì nó được quảng cáo là nước trái cây có gas hay nước hoa quả lên men", đại biểu Phạm Minh Hiền cho biết.

Theo đại biểu Phạm Minh Hiền, những quảng cáo đánh tráo khái niệm này đã cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu bia đối với sức khỏe đã được nêu trong quy định.

Cần thay đổi khung giờ quảng cáo

Cũng trong phần phát biểu của mình, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền cũng đề xuất thay đổi mốc quản lý quảng cáo rượu bia từ 5,5% độ cồn xuống còn 4% độ cồn.

Lý giải cho đề xuất này, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền cho biết, hiện các loại bia được bán trong nước hiện nay chủ yếu có độ cồn từ 4,2 - 5%. Một báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới cho biết, bia sẽ là lựa chọn chính khi giới trẻ tại Việt Nam khi bắt đầu làm quen với đồ uống có cồn. Do đó, cần hạ thấp mốc quản lý quảng cáo rượu bia xuống còn 4%.

Ngoài ra, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền cũng đề xuất thay đổi khung giờ cấm quảng cáo cho đồ uống có 5,5% độ cồn trở xuống.

Theo đó, thay vì chỉ cấm quảng cáo đồ uống có 5,5% độ cồn trở xuống từ 19h - 20h hàng ngày, đại biểu đoàn Phú Yên đề xuất cấm từ 18h - 21h.

"Ai cũng biết rằng 19h - 20h là thời gian diễn chương trình Thời sự và hầu như không có quảng cáo. Đó chỉ là khung giờ vàng với quan điểm người lớn chứ không có ý nghĩa giúp giới trẻ giảm tiếp xúc với quảng cáo rượu bia và đồ uống có cồn", đại biểu Phạm Thị Minh Hiền nhấn mạnh.

Trong khi đó, với rượu bia có độ cồn trên 15%, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền cho biết cảm thấy "bất ngờ" khi trong dự thảo không còn quy định cấm bán loại đồ uống này trên Intertnet vì nội dung này đã được quy định trong Nghị định của Chính phủ.

"Không thể dễ dàng bỏ qua những đánh giá tác hại của rượu bịa với trẻ em thuộc nội hàm bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Vì vậy, tôi đề nghi cần bổ sung cấm cả bán rượu, bia trên Internet", đại biểu Phạm Thị Minh Hiền nhấn mạnh.

Thảo luận về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia: Không có sự đánh đổi nào cay đắng hơn sự đánh đổi sức khỏe và tương lai - Ảnh 3.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương)

Tương tự đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) cũng thắc mắc tại sao quy định cấm bán rượu bia từ 15 độ cồn trở lên trên Internet bị đưa ra ngoài dự thảo.

"Với sự phổ biến của Internet, đối tượng tiếp cận ngày trẻ hóa. Báo cáo giải trình chỉ đề cập cân nhắc quy định này vì không hợp thông lệ tạo rào cản phát triển mà quên nguy cơ tác hại đến trẻ em, một đối tượng yếu thế trong xã hội. Bên cạnh đó, quy định cấm bán rượu bia từ 15 độ cồn trở lên trên Internet được thay bằng hình thức nhẹ nhàng hơn là quản lý việc khuyến mại rượu, bia dưới 15 độ cồn; quản lý việc quảng cáo rượu, bia dưới 5,5 độ cồn…", đại biểu Phạm Trọng Nhân cho biết.

Nhấn mạnh thêm về vấn đề này, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền cho biết, không nên tạo thêm cơ hội cho tính sẵn có của rượu bia cho người tiêu dùng nói chung, trong đó đặc biệt là trẻ em vị thành niên, phụ nữ.

"Các bằng chứng y khoa đã chứng minh não bộ con người phát triển mạnh trong giai đoạn vị thành niên, tại đây rất dễ bị tác động bởi rượu bia. Cái được, cái mất của sự phát triển nền công nghiệp rượu bia hẳn bất kỳ ai cũng đã rõ. Xin hãy đề cao trách nhiệm, không vô cảm bỏ quên trẻ em, thanh thiếu niên - những nạn nhân yếu thế bởi hậu quả nặng nề của rượu bia. Chẳng có sự đánh đổi nào cay đắng hơn sự đánh đổi giá trị sức khỏe, mạng sống, tương lai của con người, trong đó có phụ nữ và trẻ em", đại biểu Phạm Thị Minh Hiền kết luận phần phát biểu của mình.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước