Thay đổi về biểu cơ cấu giá điện

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 25/11/2017 20:38 GMT+7

VTV.vn - Bộ Công Thương cho biết, cơ quan này đã xây dựng kịch bản điều hành giá điện và đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để hoàn thiện.

Việc này đang dành được sự quan tâm của dư luận bởi điện là đầu vào quan trọng của sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân. Vấn đề quan tâm lúc này là kịch bản của Bộ Công Thương đưa ra có những điểm đáng chú ý nào?

Giá điện có hai biểu, gồm: Biểu giá điện và Biểu cơ cấu giá điện. Lần này Bộ Công Thương điều chỉnh Biểu cơ cấu giá điện chứ không điều chỉnh biểu giá bán điện bình quân. Biểu cơ cấu giá điện tức là tỷ lệ % của từng mức giá so với giá bình quân để tính giá và biểu giá bán điện bình quân. Hiện nay, mức giá bán điện bình quân đang ở mức 1.622 đồng/kwh điện.

Đề án của Bộ Công Thương chỉ có 2 điểm mới. Đáng chú ý là chuyển cơ sở lưu trú du lịch như khách sạn, biệt thự du lịch; căn hộ du lịch; bãi cắm trại du lịch; nhà nghỉ du lịch từ biểu giá điện kinh doanh sang biểu giá điện sản xuất. Ví dụ, với mỗi Kwh điện trước đây một khách sạn phải trả 2 đồng, từ nay các cơ sở này chỉ còn phải trả khoảng 1,5 đồng cho cùng số điện sử dụng do áp dụng biểu giá mới.

Điểm thứ hai là điều chỉnh biểu giá bán lẻ điện cho các ngành sản xuất và kinh doanh theo từng khung giờ khác nhau. Chủ yếu điều chỉnh tăng ở các khung giờ thấp điểm với mức tăng từ 2-6%. Bên cạnh đó, điều chỉnh điện áp chỉ còn 3 cấp, gồm: cao, trung và hạ áp thay cho 4 cấp như hiện nay. Như vậy Biểu giá bán lẻ điện cho doanh nghiệp thuộc các ngành sản xuất kinh doanh dùng điện áp dưới 6KV thậm chí còn giảm đi so với hiện nay khi được gộp với bậc liền trước với biểu giá thấp hơn. Trong đợt điều chỉnh này biểu giá điện sinh hoạt vẫn duy trì ở 6 bậc như hiện nay nhưng sẽ tiếp tục được xem xét nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Không chỉ định hướng phát triển doanh nghiệp theo hướng sản xuất ít tiêu tốn điện năng, việc điều hành giá điện phải theo tín hiệu thị trường là mục tiêu lâu dài. Muốn vậy, cần có thêm nhà đầu tư tham gia vào sản xuất điện. Nhu cầu năng lượng của Việt Nam trong 15 năm qua đã tăng trưởng khoảng 9,5%/năm và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Đây đang là cơ hội cho nhiều nhà đầu tư nhưng do giá điện vẫn chưa thực sự hấp dẫn nên sự tham gia của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này vẫn còn tương đối hạn chế, nhất là nhà đầu tư nước ngoài. Và nếu không có sự thay đổi, trong những năm tới, Việt Nam sẽ tiếp tục phải mua điện từ các nước láng giềng ngày càng nhiều hơn.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước