Vùng ĐBSCL được hình thành từ quá trình bồi lắng phù sa trên dòng sông Mekong trong hàng nghìn năm. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, lượng phù sa từ thượng nguồn đổ về đồng bằng đang giảm mạnh theo thời gian do những tác động từ thượng nguồn. Hiện lượng phù sa về thị xã Tân Châu và thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang chỉ còn khoảng 12 triệu tấn, giảm 84% so với trước đây.
Vấn đề này không chỉ nằm ở những biến động của con số mà còn từ những biến đổi theo chiều hướng ngày càng xấu đi của ĐBSCL khi thiếu phù sa và cát sỏi. ĐBSCL có bờ biển dài hơn 700km nhưng khoảng một nửa đang bị sạt lở đe dọa. Nhiều nơi sóng biển đã cuốn hết rừng phòng hộ. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do các đập thủy điện ở thượng nguồn đã giữ lại phần lớn phù sa và cát sỏi, khiến chúng không về được đồng bằng.
Hiện nay, trong 7 địa phương có tình trạng sạt lở bờ sông ở ĐBSCL, tỉnh Cà Mau có tốc độ mất đất cao nhất, từ 10 - 40 m/năm. Các địa phương khác như: tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng, hàng trăm km bờ biển cũng đang bị đe dọa ở mức độ nghiêm trọng. Người dân vùng ven biển không biết bao nhiêu lần phải chạy lở, còn vùng đồng bằng bị lùi dần trước áp lực ngày càng dữ dội của sóng biển.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!