Hiện tượng thời tiết này là chưa từng xảy ra trong ít nhất 10 năm trở lại đây. Mưa đá xuất hiện ở một loạt các tỉnh thành như Lạng Sơn, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hoà Bình, Thái Nguyên, Thái Bình và thậm chí cả thủ đô Hà Nội. Riêng ở Lạng Sơn, mưa đá còn xuất hiện tới 2 lần, vào chiều 30 Tết và sáng mùng 1 Tết.
Theo báo cáo của văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 17h ngày mùng 1 Tết, tại Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Cao Bằng và thành phố Hà Nội, mưa đá kèm giông lốc đã làm 11.748 nhà bị hư hại, tốc mái. Trong đó, riêng Cao Bằng có tới 6.463 nhà bị thiệt hại từ 30 - 50%; Bắc Kạn có 3.284 nhà; Lạng Sơn khoảng 2.000 nhà (sơ bộ ban đầu); Thái Nguyên có 1 nhà bị thiệt hại.
Mưa đá tại Thái Nguyên (Ảnh: Nguyễn Ngọc Anhsinhba)
Nguyên nhân đợt mưa giông bất thường lần này là bởi rãnh gió Tây trên độ cao 5.000m hoạt động rất mạnh, gây ra hội tụ mây ẩm lớn gây mưa. Mưa lại gặp cùng lúc là khối không khí lạnh từ phía Bắc tràn xuống làm nhiệt độ ở các tầng khí quyển trên cao giảm thấp khiến nước đóng băng thành những viên đá, rơi xuống tạo thành mưa đá, kèm theo đó là giông lốc nguy hiểm.
Video mưa đá ở Đồng Mỏ, Chi Lăng, Lạng Sơn (Hoàng Minh Hải)
Dự báo, từ đêm mùng 1 Tết, mưa giông mới giảm dần khi rãnh gió Tây dần dịch chuyển sang phía Đông, vùng hội tụ suy yếu. Thay vào đó là khối không khí lạnh chi phối, chủ yếu gây mưa nhỏ bất chợt, trời chuyển rét.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!