Trong 2 tuần đầu năm, tại Bệnh viện Nhi Trung ương có tới hơn 300 bệnh nhi chẩn đoán mắc cúm. Tuần qua, ở các tỉnh miền Bắc thời tiết ấm hơn nên số bệnh nhi có giảm. Tuy nhiên, khi nhiệt độ trở lạnh, nguy cơ mắc cúm lại thường trực.
Thời điểm này hàng năm, Bệnh viện Nhi Trung ương lại có nhiều trẻ đến khám vì bị sốt cao liên tục, kèm theo hắt hơi, sổ mũi, đau rát họng, một số có biểu hiện viêm phế quản. Đây là những triệu chứng điển hình của bệnh cúm mùa thông thường.
Theo chương trình giám sát cúm thường xuyên, các chủng cúm phổ biến ở Việt Nam vẫn là cúm A/H1N1, cúm A/H3N2 và cúm B. Khi bị bệnh cúm, trẻ có thể tự khỏi sau 3 - 5 ngày nên có thể điều trị tại nhà nhưng cần được chăm sóc cẩn thận, tránh nhiễm vi khuẩn khác. Chỉ khi có triệu chứng nặng, như viêm phổi, suy hô hấp hoặc bị cúm trên nền bệnh khác, ví dụ hen phế quản mới phải nhập viện điều trị. Với một số trường hợp nặng đã được tiến hành xét nghiệm để định tuýp xem có biến đổi gen hay không.
Các chuyên gia khuyến cáo, cha mẹ tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh hay thuốc kháng virus Tamiflu khi trẻ mắc cúm mùa thông thường.
Hiện, một trong những chủng cúm nguy hiểm có tỷ lệ tỷ vong cao là cúm A/H7N9 lây từ gia cầm sang người. Tuy ở Việt Nam đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào mắc, nhưng thời điểm này các biện pháp phòng tránh cần đặt lên hàng đầu vì trong bối cảnh hiện nay, dịch cúm gia cầm trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp.
Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo, virus có biến đổi từ độc lực thấp sang độc lực cao. Vì vậy giải pháp quan trọng vẫn là tuyên truyền biện pháp chủ động phòng ngừa, không sử dụng gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu không rõ nguồn gốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!