Thông tư bỏ chấm điểm Tiểu học đối mặt với "Tam sao thất bản"

T.H-Thứ sáu, ngày 24/10/2014 11:08 GMT+7

Các khách mời trong chương trình Chuyện đương thời tuần này

Việc cả nước chỉ có 1600 cán bộ cốt cán được Bộ GD&ĐT tập huấn Thông tư 30 bỏ chấm điểm bậc Tiểu học đang tạo ra những nghi vấn về các "tam sao thất bản" tại địa phương tuyến dưới

Ngày 15/10/2014 vừa qua, Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) ban hành ngày 28/8/2014 về việc bỏ chấm điểm học sinh tiểu học chính thức có hiệu lực và đi vào hoạt động. Tuy nhiên, việc chỉ có 1600 cán bộ được tập huấn trong khi cả nước có tới hàng trăm nghìn giáo viên tiểu học đặt ra nhiều băn khoăn, khúc mắc từ phía phụ huynh và cả các giáo viên.

Trong Chuyện đương thời tuần này, nhà báo Tạ Bích Loan cùng với các vị khách mời sẽ nỗ lực đi tìm lời giải cho những thắc mắc trên. Tham gia chương trình có các khách mời: TS. Phạm Ngọc Định - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục – Đào Tạo); Th.s Nguyễn Bích Tâm - Chuyên gia phát triển con người; TS. Vũ Thu Hương - Giảng viên khoa Tiểu học trường Đại học Quốc gia HN và một số giáo viên tiểu học ở Hà Nội, Vĩnh Phúc.

"Thông tư 30 có nhiều ưu điểm" - đây là khẳng định của ông Phạm Ngọc Định - Vụ Tiểu học (Bộ GD&ĐT) chia sẻ trong chương trình. Bên cạnh đó, ông Phạm Ngọc Định cũng cho biết, việc thay đổi cách đánh giá HS tiểu học bằng nhận xét thay vì điểm số không chỉ thể hiện sự đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT mà còn rất nhân văn. Trước đây, việc dùng điểm số để đánh giá thường xuyên đã tạo không ít áp lực cho học sinh và cả phụ huynh. Nhiều người dùng điểm số làm thước đo học lực và tầm hiểu biết của con em mình, vô hình chung tạo cho các em tư tưởng phải học để lấy điểm mà không xác định là mình học để giúp gì cho bản thân và học vì mục đích gì.

Giờ đây, quy định đánh giá thường xuyên bằng nhận xét không chỉ nhằm vào kết quả mà còn động viên, khuyến khích học sinh cố gắng trong cả quá trình. Các em sẽ không phải học vì áp lực điểm số nữa. Về cơ bản, đây là một quy định tốt được nhiều nhà giáo dục và phụ huynh ủng hộ.

Các khách mời nhí của chương trình Chuyện đương thời

Các khách mời nhí của chương trình Chuyện đương thời

Để tạo được những bước ngoặt này, bản thân Thông tư số 30 cũng được Bộ GD&ĐT đưa vào áp dụng nhiều quy định mới. Theo Vụ trưởng Vụ Tiểu học Phạm Ngọc Định, trước đây, việc đánh giá các em chỉ dựa vào điểm số bài thi cuối kỳ mà không có đánh giá thường xuyên trong cả quá trình học, nên chính các giáo viên và phụ huynh cũng không nhận ra được rõ ràng điểm mạnh và điểm yếu của học sinh mình, con em mình. Do đó, việc hướng dẫn các em gặp nhiều hạn chế, khó khăn.

Điểm mới của Thông tư 30 là coi trọng việc đánh giá học sinh trong suốt quá trình học tập thông qua những lời nhận xét bằng lời nói hoặc lời phê để giáo viên, phụ huynh và bản thân học sinh đó biết và kịp thời khắc phục. Cuối mỗi kỳ học vẫn có bài thi tính điểm. Nhưng kết quả của cả học kỳ/ năm học được kết hợp giữa điểm số này và những nhận xét trong suốt quá trình học.

Để làm được điều này đòi hỏi người giáo viên phải quan tâm hơn và sâu sát hơn tới từng cá nhân học sinh, giúp học sinh tiến bộ hơn so với chính bản thân em đó. Cách đánh giá này sẽ toàn diện, chính xác và nhân văn hơn. Đây cũng là mục đích của sự đổi mới này.

Các khách mời của chương trình

Các khách mời của chương trình

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy rằng, bên cạnh những ưu điểm, rõ ràng Thông tư số 30 ít nhiều vẫn còn chứa đựng sự bất cập trong quá trình thực hiện. Cụ thể, dù ủng hộ việc không chấm điểm trong đánh giá thường xuyên đối với bậc tiểu học, nhưng rất nhiều phụ huynh học sinh lo lắng liệu năng lực của con em mình có được đánh giá đúng, và bản thân họ cũng không biết lời nhận xét của giáo viên tương ứng với mức độ nào để đánh giá lực học của con mình.

Không chỉ phụ huynh, học sinh, mà ngay cả giáo viên cũng cảm thấy khó khăn trong việc nhận xét. Thay vì chấm điểm rõ ràng, giờ đây các thầy cô phải nhận xét từng bài một, chi tiết xem học sinh sai ở đâu, yếu ở khâu nào khiến các thầy cô mất rất nhiều thời gian. Chưa kể đến việc các thầy cô giờ sẽ phải nhận xét hàng tuần, hàng tháng để có đánh giá chính xác.

Cộng với 23 loại sổ sách khác đang phải ghi chép hàng tuần, hàng tháng thì các thầy cô tiểu học giờ sẽ phải bỏ ra rất rất nhiều thời gian. Đó là lời “phàn nàn” của nhiều giáo viên tiểu học mà chương trình Chuyện đương thời thu thập được trong quá trình điều tra thực hiện chương trình.

Vấn đề “tam sao thất bản” cũng được nhiều giáo viên nêu ra. Theo đó, cả nước chỉ có 1600 cán bộ cốt cán được Bộ Giáo dục & Đào tạo tập huấn về Thông tư 30. Số này về tỉnh lại tập huấn cho giáo viên cấp tỉnh, cấp tỉnh tập huấn cho cấp huyện,... Cứ như vậy, về đến các giáo viên trực tiếp giảng dạy, liệu Thông tư 30 có còn “thông suốt”?

Chuyện đương thời tuần này sẽ là một cuộc thảo luận thẳng thắn giữa những giáo viên đang trực tiếp giảng dạy, những phụ huynh đang băn khoăn về việc đánh giá con em mình và đại diện của Bộ giáo dục & Đào tạo sẽ giải đáp nhiều thắc mắc xung quanh Thông tư 30 mà cả xã hội đang quan tâm.

Chương trình Chuyện đương thời phát sóng lúc 22h30, thứ 6 (24/10) trên kênh VTV1. Mời quý vị và các bạn đón xem!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước