Chuyện đương thời: Bộ trưởng Bộ GD-ĐT "giải" bài toán tư duy độc lập ở học sinh

T.H-Thứ năm, ngày 17/07/2014 14:24 GMT+7

Chương trình Chuyện đương thời với chủ đề "Dạy trẻ cách tư duy độc lập”

"Dạy trẻ cách tư duy độc lập" là chủ đề chính được bàn luận trong chương trình Chuyện đương thời tuần này với sự tham gia của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận và GS. Nguyễn Lân Dũng.

Với format của talkshow truyền hình, Chuyện đương thời là sự tiếp nối và thay đổi mạnh mẽ của Người đương thời do Đài THVN sản xuất. Chương trình là sự kết hợp của tính thời sự, con người và triết lý nhân văn sâu sắc, đề cao giá trị con người, tiếp nối tính nhân văn mà chương trình Người đương thời đã xây dựng 11 năm qua.

Theo chia sẻ của nhà báo Tạ Bích Loan, Trưởng ban Thanh thiếu niên, Đài THVN - người giữ vai trò chỉ đạo sản xuất chương trình, đây là một chương trình hoàn toàn mới, hướng đến những vấn đề mà cả xã hội quan tâm với rất nhiều những cách thức tiếp cận khác nhau.

“Chuyện đương thời là nơi mà những người thực hiện cùng với khán giả truyền hình sẽ cùng nhau bàn bạc, lý giải những nguyên nhân sâu xa đằng sau những câu chuyện, những chủ đề nóng của xã hội dưới góc nhìn tâm lý xã hội” - nhà báo Tạ Bích Loan chia sẻ.

‘ Chuyện đương thời với sự tham gia của nhà báo Tạ Bích Loan, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Phạm Vũ Luận và GS.Nguyễn Lân Dũng (từ phải sang trái)

Tiếp tục hướng tới mục tiêu như vậy, trong Chuyện đương thời tuần này, với sự tham gia của hai khách mời đặc biệt là ông Phạm Vũ Luận - Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo và GS. Nguyễn Lân Dũng - Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học và Giáo dục, khán giả sẽ tiếp cận một vấn đề mới, nóng hổi đang được xã hội quan tâm - “Dạy trẻ cách tư duy độc lập”.

Trong thời gian qua, bài toán “Trên một chiếc tàu thủy có 45 còn cừu, 5 con bị rơi xuống nước. Hỏi ông thuyền trưởng bao nhiêu tuổi?” đã gây xôn xao dư luận và được Chuyện đương thời đưa vào một cuộc khảo sát. Kết quả: 3/4 học sinh lớp 2 cho ra đáp án và tất nhiên đó là đáp án đó. Điều này phần nào cho thấy học sinh hiện nay đang tư duy một cách máy móc, không dám đặt ra nghi vấn về một vấn đề nào đó.

Đồng tình với quan điểm này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng: “Suy nghĩ của học sinh vẫn còn thụ động, các em chưa trải qua những đề thi ra sai và chưa biết rằng đề thi ra sai là chuyện bình thường”.

Còn GS. Nguyễn Lân Dũng nhận định: “Đây không phải là vấn đề của riêng các em học sinh lớp 2. Các em thường gắn với kiến thức sách vở nên ít động não. Chúng ta đang đào tạo những bộ óc chứ không phải đào tạo những bộ sách. Đừng nhét kiến thức vào đầu các em mà phải cung cấp kiến thức để các em động não tốt hơn”.

Qua chủ đề này, các khách mời sẽ cùng đi tìm lời giải đáp cho các câu hỏi: "Làm thế nào để giúp học sinh Việt Nam dám nghĩ khác đi, dám đặt câu hỏi? Vai trò của nền giáo dục trong việc rèn luyện tư duy độc lập là thế nào?...".

Bên cạnh việc nhìn nhận, phân tích vấn đề tư duy của trẻ em dưới cái nhìn đa chiều, khách quan và thẳng thắn, Chuyện đương thời còn đưa ra những lý giải nguyên nhân cho nhiều hiện tượng giáo dục đang gây nhiều tranh cãi như giáo dục dưới góc nhìn của trẻ em và người lớn, câu chuyện chương trình học và sách giáo khoa…

‘ Hai khách mời: ôngPhạm Vũ Luận - Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo (phải) và GS. Nguyễn Lân Dũng - Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Khoa học và Giáo dục (trái)

Đặc biệt, trả lời cho những câu hỏi của nhà báo Tạ Bích Loan về vấn đề sách giáo khoa, lần đầu tiên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chính thức thừa nhận hệ thống lượng kiến thức trong bộ sách giáo khoa hiện hành quá nặng và chú trọng lý thuyết, không phù hợp với năng lực và tư duy của học sinh.

Qua đó, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã khẳng định sẽ quyết tâm giảm tải chương trình sách giáo khoa trong thời gian tới. Đồng thời đề thi đại học cũng sẽ được đổi mới theo hướng các câu hỏi, bài tập mở yêu cầu học sinh phải tư duy chứ không chỉ là học thuộc lòng.

Cuộc đối thoại cởi mở và sâu sắc về vấn đề nóng “Dạy học sinh cách tư duy độc lập” sẽ được phát sóng trong chương trình Chuyện đương thời vào 22h30 thứ 6 (18/7) trên VTV1. Mời quý vị và các bạn đón xem!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước