Chiếc tàu lặn loại nhỏ lần đầu tiên được nghiên cứu, chế tạo sản xuất tại Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế có tên gọi Hòa Bình. Chiều dài tàu 6,63 m, chiều cao 2,74m, tốc độ di chuyển 4,5 hải lý/giờ; thời gian lặn 24h; độ sâu lặn 50m; số lượng thuyền viên 04 người. Kinh phí thực hiện đề tài lên đến hơn 25,5 tỷ đồng. Đoàn kiểm tra đã thử nghiệm chế độ đứng tại chỗ, lặn xuống, nổi lên và thử quay vòng. Điều kiện thử tại vịnh Cam Ranh có độ sâu 15m, với điều kiện gió nhẹ, sóng khoảng cấp 4. Tàu lặn cỡ nhỏ này có thể liên lạc với bờ hoặc các tàu khác 1km bằng hệ thống thông tin vô tuyến.
Tàu lặn nổi nhờ 04 phao lặn bố trí đối xứng hai bên thân vỏ tàu chịu áp lực. Cơ chế làm việc của tàu nhờ sự cân bằng của khí nén trong phao và áp lực nước bên ngoài phao để điều chỉnh lực nổi. Khi lặn quá trình ngược lại. Vì vậy, vật liệu làm phao và chi tiết gắn kết với thân vỏ là thép inox đảm bảo vững chắc và không bị ăn mòn. Dự án là tiền đề để nhân rộng và phát triển các kết quả đạt được vào các sản phẩm thương mại trong tương lai.
Thiết kế và công nghệ chế tạo, lắp ráp tàu lặn này được nghiên cứu dựa trên cơ sở thiết kế và công nghệ chế tạo của CHLB Đức kết hợp với công nghệ chế tạo, lắp ráp tại Việt Nam.
Sau khi kiểm tra thử nghiệm, sản phẩm tàu lặn cỡ nhỏ này sẽ tiếp tục bước kiểm tra đăng kiểm đường dài do cơ quan đăng kiểm GL của CHLB Đức giám sát. Đây là bước kiểm tra cuối cùng để đăng kiểm cấp chứng chỉ an toàn kỹ thuật cho tàu hoạt động. Nếu dự án thử nghiệm tàu lặn cỡ nhỏ thuộc dự án sản xuất thử nghiệm độc lập cấp Nhà nước thành công, sẽ mở ra một hướng đi mới cho công nghiệp chế tạo tàu lặn của Việt Nam, phục vụ nhu cầu đang tăng trưởng mạnh của ngành đóng tàu, dầu khí, du lịch, an ninh hàng hải cũng như nhu cầu xuất khẩu.