Dù Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam (RIAV) đã tổ chức triển khai tuyên truyền việc thu phí tác quyền tại các quán karaoke từ những tháng cuối năm 2016, nhưng phải đến những ngày gần đây, nhiều người dân mới thực sự biết đến hoạt động thu phí này. Thực tế, nhiều người vẫn còn rất lạ lẫm với việc thu phí tác quyền của RIAV, liệu thu phí 2.000 đồng/bài có thực sự hợp lý, đúng luật? Đặc biệt là thắc mắc về quyền liên quan của hiệp hội khi tiến hành thu phí.
Theo luật sư Phạm Thanh Tâm (Hội Luật sư TP Hà Nội), để có thể thực sự giải đáp được mọi thắc mắc của người dân, đặc biệt là các chủ cơ sở kinh doanh Karaoke trong việc thu phí thì RIAV phải làm rõ được nhiệm vụ, quyền hạn của hiệp hội cho khách hàng hiểu. Đặc biệt là các trung tâm kinh doanh Karaoke sử dụng những bài hát thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của RIAV thì sẽ phải có nghĩa vụ và quyền lợi gì.
Luật sư cũng nhấn mạnh, RIAV cần phải làm rõ quyền liên quan là gì và có vai trò như thế nào trong việc thu phí tác quyền. Theo Nghị định số 100/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự và Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan cũng như giải thích theo hướng liệt kê tương tự tại Khoản 2 Điều 3 về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan. Theo đó, quyền liên quan là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa - Khoản 3 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bổ sung 2009).
Được biết, RIAV cũng đã nêu nhiệm vụ của hội gồm "bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà sản xuất băng đĩa âm thanh tại Việt Nam, tuân thủ theo các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ…." và theo quy định tại Điều 5.3 của Điều lệ Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số Quyết định số 70/2003/QĐ-BNV ngày 07/10/2003 của Bộ Nội vụ, thì RIAV có nhiệm vụ "thực hiện các quyền do hội viên ủy thác theo Hợp đồng". Điều lệ RIAV cũng nêu rõ, RIAV có quyền "Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Hiệp hội và hội viên theo quy định của pháp luật".
Luật sư cho biết, nếu nhìn nhận khách quan có thể thấy RIAV có quyền thương lượng để thu và phân chia thù lao, các quyền lợi vật chất khác từ việc khai tác các bản ghi âm/ghi hình được sử dụng tại các điểm kinh doanh dịch vụ Karaoke và chỉ được thực hiện quyền nêu trên khi quyền này thuộc phạm vi quyền của các hội viên của RIAV.
Ngoài ra, các bản ghi tác phẩm âm nhạc cũng có thể được xem là tài sản, giá 2.000 đồng/bài/đầu máy trong thời hạn 1 năm mà RIAV đưa ra là mang tính thỏa thuận dân sự. Việc thực hiện thỏa thuận này phụ thuộc rất nhiều vào các trung tâm karaoke. Do đó, cần căn cứ pháp lý ràng buộc các bên cần thỏa thuận với nhau và thống nhất cách tính giá, cách nộp phí, lộ trình thực hiện cũng như xử lý những hành vi vi phạm sau này về công tác nộp phí… để các bên hiểu và thực hiện các quyền của mình để công tác thu phí không áp lực đến hoạt động kinh doanh của các trung tâm karaoke.
Luật sư cũng nhận định RIAV sẽ gặp nhiều khó khăn khi thương lượng mức phí 2.000 đồng/bài. Vì đây là hoạt động dân sự, theo đúng nguyên tắc thương lượng là tự nguyện và bình đẳng. Nhiều khả năng các cơ sở kinh doanh karaoke sẽ yêu cầu mức giá thấp hơn so với mức giá 2.000 đồng/bài mà RIAV yêu cầu ban đầu.
Đại diện RIAV cho biết, hiệp hội tình nguyện đưa ra mức giá trên cơ sở tính toán để bên mua cảm thấy có lợi nhất. Việc giao dịch mua bán sẽ diễn ra khi các trung tâm karaoke đồng thuận. Tất nhiên, để đạt được điều này thì RIAV sẽ phải đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền, vận động và giải thích cho các chủ kinh doanh karaoke, thuyết phục họ đồng ý với mức giá 2.000 đồng/bài/đầu máy.
Cũng theo luật sư, để tránh khả năng sai sót trong quá trình thu, RIAV nên thí điểm hoạt động trên một số cơ sở, trung tâm karaoke để khắc phục những bất cập trong công tác thu phí, cũng như tránh được những khó khăn cần khắc phục sau này. Ngoài ra, cần đưa ra cách thức quản lý phí thu được công khai, minh bạch, công bằng để tránh việc các bên ủy thác khởi kiện do việc phân chia số tiền thu được không thỏa đáng. Việc phân chia các khoản doanh thu có được từ hoạt động thu phí tác quyền về nguyên tắc sẽ tuân theo thỏa thuận giữa RIAV và các hội viên theo các điều khoản mà RIAV và hội viên đã thỏa thuận với nhau tại thời điểm gia nhập hội hoặc thỏa thuận riêng cho việc thu phí tác quyền các điểm kinh doanh dịch vụ karaoke này. Điều này đơn thuần chỉ là một thỏa thuận dân sự giữa RIAV và các hội viên.
Đối với các cơ sở kinh doanh không đóng phí, luật sư cho hay các cơ sở kinh doanh sử dụng quyền mà không xin phép, không trả phí là vi phạm luật sở hữu trí tuệ nên sẽ bị xử lý theo quy định của luật dân sự. Đối với những trường hợp nghiêm trọng thì có thể áp dụng quy định về hình sự do có hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!