Thủ tướng kết thúc thăm chính thức và làm việc tại Nhật Bản

Đăng Học-Thứ hai, ngày 16/12/2013 21:43 GMT+7

Tối 15/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phu nhân và Đoàn Đại biểu Cấp cao Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 40 năm quan hệ Đối thoại ASEAN - Nhật Bản, Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản và thăm Chính thức Nhật Bản theo lời mời của Thủ tướng Shinzo Abe.

Đưa mối quan hệ 2 bên lên một tầm cao mới chất là thông điệp chính của Nhật Bản cho quan hệ Đối tác giữa nước này với 10 nước ASEAN và giữa Nhật Bản với Việt Nam, và mục đích cao nhất là phục vụ cho mục tiêu hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.

‘ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe. (Ảnh: VGP)

Trong vòng tay biểu tượng hết sức tin cậy và nồng ấm, các nhà lãnh đạo ASEAN và Nhật Bản đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về một bước chuyển mới về chất trong quan hệ vốn đã được thử thách trong 40 năm giữa một cường quốc kinh tế ở Đông Bắc Á là Nhật Bản với một Cộng đồng 10 quốc gia đang chứng tỏ vai trò trung tâm mới của nhiều cấu trúc khu vực là ASEAN. Luôn giữ vai trò là đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư hàng đầu của ASEAN, Nhật Bản còn thực sự ủng hộ, cả về chính trị cũng như hành động cụ thể cho nỗ lực liên kết, xây dựng cộng đồng và vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực. Và để khẳng định lời nói đi đôi với việc làm, Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố sẽ tài trợ 20 tỷ USD cho các dự án kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển của ASEAN trong 5 năm tới. Thậm chí các nhà lãnh đạo hai bên còn thúc giục để sớm có Hiệp định đối tác Kinh tế ASEAN – Nhật Bản.

Trong Tuyên bố Tầm nhìn về Quan hệ Hữu nghị và Hợp tác ASEAN - Nhật Bản và Kế hoạch Triển khai nhằm đưa quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Nhật Bản tiếp tục phát triển trong các thập kỷ tới được các nhà lãnh đạo thông qua đã xác định 4 trụ cột hợp tác tương lai, đó là: “Đối tác vì Hòa bình và Ổn định; Đối tác vì Thịnh vượng; Đối tác vì Chất lượng Cuộc sống; và Đối tác từ Trái tim đến Trái tim”. Nói một cách khác, ASEAN và Nhật Bản mong muốn hòa bình, an ninh và ổn định và chỉ khi có được môi trường đó mới tạo ra được sự hợp tác cùng phát triển, cùng thịnh vượng. Và hòa bình, thịnh vượng là vì chất lượng cuộc sống của nhân dân. Có được điều tất cả những điều này, các bên phải thực sự chia sẻ, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, hay có lòng tin chiến lược với nhau.

Với tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong phát biểu của mình tại Hội nghị và các nhà lãnh đạo ASEAN cũng như Nhật Bản đã nhấn rất mạnh và thống nhất cao về việc đảm bảo môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, trong đó có vấn đề an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không và vấn đề Biển Đông.

Cũng là một vấn đề mang tính khu vực khác, tại Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản, Nhật Bản đã thể hiện sự nhất trí với quan điểm cũng như ủng hộ đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc các nước Mekong và Nhật Bản cần tiếp tục khẳng định cam kết, thực hiện các thỏa thuận và dành ưu tiên cho hợp tác bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong; tăng cường kết nối khu vực. Đáp lại, Thủ tướng Nhật Bản đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của việc quản lý và phát triển bền vững nguồn nước và các tài nguyên liên quan của sông Mekong, khẳng định ủng hộ Uỷ hội sông Mekong quốc tế đẩy nhanh các nghiên cứu về quản lý và phát triển bền vững sông Mekong, cũng như các nghiên cứu của các nước có liên quan về tác động đến môi trường và dòng chính sông Mekong.

Có thể nói, Hội nghị Cấp cao ASEAN – Nhật Bản cũng như Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản đã thành công với việc đưa ra được tầm nhìn mới, cam kết mới và hành động mới giữa Nhật Bản với 10 nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

Tầm nhìn, cam kết và hành động này cũng được Nhật Bản dành cho Việt Nam, một đối tác Chiến lược của nước này trong khu vực Đông Nam Á.

Trong khuôn khố chuyến thăm Chính thức Nhật Bản, ngoài khẳng định làm sâu sắc hơn mối quan hệ chính trị, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác về các dự án lớn giữa hai nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Shinzo Abe đã đề cập cụ thể hơn trong các lĩnh vực chiến lược khác về quốc phòng - an ninh, hợp tác về nông nghiệp, lao động, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực. Chẳng hạn như cơ chế đối thoại an ninh hay việc Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố bắt đầu đàm phán về cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam. Thành lập Đại học Việt - Nhật; thành lập Nhóm công tác chung thúc đẩy hợp tác nông nghiệp; hay xây dựng một Chương trình hợp tác dài hạn trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo … là những ý tưởng và đề xuất mới trong chuyến thăm lần này.

Đặc biệt, Thủ tướng Shinzo Abe không chỉ bày tỏ ủng hộ mà còn thể hiện mong muốn đồng hành cùng Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa - một cam kết chiến lược mà Nhật Bản chỉ dành cho một số quốc gia.

Trong chuyến thăm này, Thủ tướng Shinzo Abe đã công bố khoản tài trợ mới trị giá khoảng 1 tỷ USD cho Việt Nam dành cho 5 dự án cơ sở hạ tầng lớn.

Một văn bản cũng hết sức quan trọng được ký kết đó là Thỏa thuận Hợp tác giữa Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Kinh tế, thương mại và Công nghiệp Nhật Bản. Thỏa thuận này không chỉ là sự giúp đỡ của Nhật Bản xây dựng Nhà máy điện hạt nhân mà còn giúp Việt Nam có được một bộ quy chuẩn và hệ thống văn bản pháp lý để xây dựng, quản lý và vận hành các nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam trong tương lai.

Cùng với quan hệ chính trị tốt đẹp và cam kết mạnh mẽ của hai Thủ tướng, Cộng đồng Doanh nghiệp Nhật Bản trong tổng cộng 15 cuộc làm việc và tiếp xúc với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã không chỉ thể hiện và đặt niềm tin vào Việt Nam mà còn đưa ra những kế hoạch, dự định mới về hợp tác thương mại, đầu tư với Việt Nam.

Một chương mới, sau 40 năm đang mở ra trong quan hệ Đối tác chiến lược giữa Nhật Bản với ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. Tầm nhìn mới, cam kết mới, hành động mới đã được Nhật Bản thể hiện một cách cụ thể, rõ ràng hơn và mức độ cao hơn trong quan hệ với Việt Nam và ASEAN. Không chỉ cùng nhau chia sẻ nhận thức, làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác chiến lược vốn được thử thách và hết sức tin cậy, hai bên còn xác lập những cơ chế mới, bước đi mới để hiện thực hóa mối quan hệ vì mục tiêu hòa bình và thịnh vượng cho mỗi quốc gia và cả khu vực.

Với ý nghĩa đó, chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thực sự là khởi đầu cho một chặng đường mới của quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Nhật Bản.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước