Tại buổi làm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: Với những kết quả về phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua, Chính phủ sẽ kiên trì trong tái cơ cấu nền kinh tế đi cùng với hoàn thiện thể chế, vì thế Tổ tư vấn cần tiếp tục đề xuất với Thủ tướng những giải pháp cụ thể và kịp thời hơn nữa.
Đây là cuộc làm việc thứ 5 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Tổ tư vấn kinh tế sau hơn 1 năm được thành lập. Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao Tổ tư vấn đã đề xuất giải pháp về thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đã được Thủ tướng đưa vào các thông điệp hoặc chỉ đạo điều hành, trong đó nhiều đề xuất nhằm ổn định kinh tế vĩ mô rất chín chắn. Tuy nhiên, điều mà Chính phủ và Thủ tướng cần đó là cần tìm ra động lực mới, nhân tố mới và dư địa cho tăng trưởng kinh tế bởi tăng trưởng kinh tế cao và bền vững luôn là yêu cầu lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam.
Trong gần 3 năm qua, Thủ tướng đã nghiên cứu sâu về nông nghiệp. Trong 1 năm gần đây, Thủ tướng đã có 18 cuộc làm việc để tìm ra dư địa tăng trưởng ở lĩnh vực này. Vấn đề đặt ra hiện nay là Chính phủ cần nhân rộng được những mô hình nông nghiệp và chế biến nông sản ứng dụng công nghệ cao, cũng như các giải pháp để ứng phó với các biến động của kinh tế thế giới, cùng các giải pháp đột phá để tăng nhanh tự cường quốc gia, làm chủ công nghệ và thúc đẩy việc huy động các nguồn vốn từ xã hội theo hình thức đối tác công-tư.
Tại buổi làm việc, Tổ tư vấn kiến nghị Thủ tướng có thông điệp mạnh mẽ biến thách thức thành cơ hội, đồng thời gây áp lực cho các bộ ngành và địa phương, doanh nghiệp hành động khẩn trương, quyết liệt hơn nhằm tạo sự chuyển biến nhanh hơn về chuyển đổi mô hình tăng trưởng và đạt một số mục tiêu cao hơn kế hoạch. Trong đó, Chính phủ cần lấy "thành bại để luận anh hùng" nên cần giao mục tiêu để chỉ có những người giỏi mới hoàn thành, chứ không giao nhiệm vụ để ai cũng hoàn thành thì mới chọn được người tài.
Hơn nữa, ở Việt Nam cấp trên không chỉ đạo hoặc chỉ đạo một lần có khi cấp dưới không làm hoặc không có sáng kiến. Vì thế, Tổ tư vấn cần tập trung nguồn lực để nghiên cứu và đề xuất các chính sách có tính thay đổi lớn, đột phá. Thực tế cho thấy, chỉ có tổ tư vấn độc lập thì mới đề xuất các chính sách cải cách, còn các cơ quan hành chính nhà nước ít khi đề xuất các chính sách này. Nhưng việc đầu tiên là phải hoàn thiện thể chế kinh tế, vì khi có thể chế tốt cùng với con người tốt thì nền kinh tế sẽ thành công.
Thành viên của Tổ tư vấn cho rằng nút thắt mới của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là khoa học công nghệ. Vì thế, Chính phủ cần tạo điều kiện cho các tập đoàn tư nhân lớn đầu tư phát triển khoa học - công nghệ để trở thành trụ cột quốc gia. Việc mời các nhà khoa học giỏi ở nước ngoài về là đúng nhưng phải có môi trường cho họ làm việc và họ được tiếp cận dữ liệu.
Nhận xét về các chính sách điều hành kinh tế của Chính phủ trong năm nay, các thành viên của Tổ tư vấn cho rằng Chính phủ đã có tư duy đúng và hành động đúng, nhất là trong điều hành tiền tệ, thị trường chứng khoán và cắt giảm điều kiện kinh doanh. Nên kết quả hiện nay về phát triển kinh tế là khá tốt, trong bối cảnh nguồn lực chỉ có như vậy. Và khi đã đúng thì cần tiếp tục làm. Các thành viên Tổ tư vấn cũng cho rằng, nếu tái cơ cấu nền kinh tế mà được thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt như cắt giảm điều kiện kinh doanh thì sẽ tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết sau hơn 2 năm rưỡi của nhiệm kỳ này, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cao hơn, nợ công từ gần 65% GDP, hiện xuống còn 60%. Kỳ hạn trái phiếu Chính phủ từ 3 năm được tăng lên gần 14 năm, nợ xấu của hệ thống ngân hàng chỉ còn 2,18%. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng hàng vẫn luôn đứng hàng đầu ASEAN. Hệ số tín nhiệm quốc gia được nâng cao. Do đó, Chính phủ sẽ kiên trì tái cơ cấu nền kinh tế, đồng thời quyết liệt đi liền với giám sát chặt chẽ cải cách thủ tục hành chính. Tại kỳ họp Chính phủ tới đây, Thủ tướng sẽ phê bình nghiêm khắc những bộ chưa cắt giảm điều kiện kinh doanh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh thể chế kinh tế là một trói buộc lớn nhất hiện nay đối với nền kinh tế, vì vậy, Chính phủ cần phải đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế, nhất là cắt giảm điều kiện kinh doanh, đi cùng với tái cơ cấu nền kinh tế. Việc này là đúng nên Chính phủ sẽ tiếp tục kiên quyết trong thực hiện.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Thủ tướng cần tư vấn cả về chính sách ngắn hạn, trung và dài hạn. Vì thế, Tổ cần chủ động khuyến nghị chính sách cụ thể với Thủ tướng nhiều hơn nữa, cũng như cần huy động thêm ý kiến của các nhà khoa học khác góp ý cho Chính phủ.
Đối với các vấn đề mà Chính phủ và Thủ tướng đã quyết định hoặc được xã hội quan tâm, các thành viên của Tổ tư vấn, với ảnh hưởng và uy tín mình, cần góp phần tạo nên đồng thuận xã hội cũng như tạo niềm tin cho doanh nghiệp, cho nhà đầu tư.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!