Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cảm ơn Quốc hội và Nhân dân giúp Chính phủ nhận diện hạn chế, bất cập

VTV News-Thứ năm, ngày 01/11/2018 17:54 GMT+7

VTV.vn - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an ninh quốc gia.

Trong phiên chất vấn chiều nay (1/11), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trả lời một số chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Thủ tướng cảm ơn sự tín nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội dành cho Thủ tướng cũng như các thành viên Chính phủ. Thủ tướng nhấn mạnh: "Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội, dù tín nhiệm cao hay tín nhiệm thấp đều có chung ý nghĩa thôi thúc Chính phủ trong việc thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ phát triển đất nước còn rất nhiều thách thức ở phía trước".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cảm ơn Quốc hội và Nhân dân giúp Chính phủ nhận diện hạn chế, bất cập - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Qua 10 ngày diễn ra kỳ họp, Quốc hội đã dành nhiều ngày thảo luận, chất vấn và cho ý kiến về nhiều vấn đề kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách, xây dựng pháp luật, trong đó có những vấn đề hệ trọng của đất nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá ý kiến hết sức đa dạng và sâu sắc, thậm chí có những ý kiến trái nhau nhưng tất cả đều rất thẳng thắn và tâm huyết, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của các vị Đại biểu đối với cử tri cũng như đối với đất nước. Thủ tướng chân thành cảm ơn các đại biểu về những ý kiến thảo luận, chất vấn đã giúp Chính phủ nhận diện rõ nét hơn những hạn chế, bất cập, trên cơ sở đó đề ra chương trình hành động và giải pháp sát thực tiễn để giải quyết những vấn đề đang đặt ra.

Thủ tướng cho biết, trong giai đoạn hiện nay, chúng ta không chỉ quan tâm đến phát triển kinh tế mà còn ý thức rất rõ yêu cầu về nâng cao chất lượng tăng trưởng, chú trọng phát triển bền vững, tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, tạo cơ hội học hành, tiếp cận y tế cho nhân dân, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...

Thủ tướng khẳng định, mặc dù có những giai đoạn thăng trầm như bất kỳ quốc gia nào khác, song về tổng thể, so với mặt bằng chung của thế giới, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong ba thập niên kể từ khi đổi mới là rất ấn tượng. Chặng đường 30 năm đổi mới đã qua giúp chúng ta không chỉ tin tưởng, tự hào mà còn giúp định hình cho chặng đường phát triển của đất nước trong 30 năm tới và xa hơn nữa.

Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian tới, Chính phủ tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, an ninh tiền tệ, an ninh lương thực, an ninh truyền thống và phi truyền thống. Quyết liệt tái cơ cấu lại nền kinh tế theo Nghị quyết 24 của Quốc hội một cách thực chất và hiệu quả hơn nữa, trong đó có việc giải quyết những yếu kém, bất cập trong phát triển kinh tế tư nhân mà nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cảm ơn Quốc hội và Nhân dân giúp Chính phủ nhận diện hạn chế, bất cập - Ảnh 2.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảman ninh quốc gia

Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 25 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020, bảo đảm cơ cấu chi Ngân sách nhà nước hợp lý hơn, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, nâng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm bội chi Ngân sách nhà nước xuống mức 3,5% GDP vào năm 2020. Triển khai hiệu quả, minh bạch kế hoạch đầu tư công theo Nghị quyết 26 của Quốc hội và bảo đảm trần nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài trong mức Quốc hội quy định, trong đó có việc cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng Ngân sách nhà nước, hiệu quả sử dụng nợ công, chống thất thu ngân sách.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh, Chính phủ thể hiện quyết tâm thực hiện mạnh mẽ 3 đột phá chiến lược, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó gỡ bỏ những rào cản cho doanh nghiệp phát triển; giải quyết những vấn đề bất cập, yếu kém trong huy động, phân bổ nguồn lực, quản lý, xây dựng kết cấu hạ tầng mà nhiều vị đại biểu Quốc hội đã nêu.

Về các vấn đề xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển bền vững văn hóa, xã hội, y tế, đầu tư phát triển giáo dục theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế. Tập trung chỉ đạo giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc gây bất an trong nhân dân như bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, tệ nạn xã hội, tội phạm và mất an ninh trật tự an toàn xã hôi, ô nhiễm môi trường, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ...

Thủ tướng nhấn mạnh cần phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, xử lý nghiêm những vụ án tham nhũng.

"Cần tăng cường quốc phòng an ninh, đảm bảo độc lập, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững sự ổn định chính trị - xã hội và môi trường hòa bình để phát triển đất nước. Nâng cao hiệu quả đổi ngoại và chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước. Khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại đã ký. Nỗ lực nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế tinh gọn và hiệu quả, xứng đáng với niềm tin của nhân dân, cử tri và Quốc hội" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trước Quốc hội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước