Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thống V.Putin tại Sochi. (Ảnh: Dân trí)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Nga là ưu tiên chiến lược quan trọng trong tiến trình triển khai chính sách đối ngoại đa phương hóa, hội nhập quốc tế của Việt Nam. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam sẽ chủ động thúc đẩy tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước theo hướng thực chất, hiệu quả.
Tổng thống Putin chúc mừng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được bầu giữ cương vị mới và khẳng định, Việt Nam luôn là một trong những ưu tiên đối ngoại của Nga tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Putin nhất trí cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ và chú trọng nâng cao hiệu quả của các chương trình, dự án hợp tác trọng điểm, nhất là trong trao đổi thương mại, dầu khí, điện hạt nhân và du lịch làm cơ sở để tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác. Tổng thống Nga cũng nhất trí sẽ thúc đẩy các nước thành viên còn lại của Liên minh Kinh tế Á - Âu là Belarus, Acmenia và Kyrgyzstan hoàn tất thủ tục phê chuẩn hiệp định thương mại tự do với Việt Nam để triển khai thực hiện, góp phần nâng tầm hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam luôn sẵn sàng làm cầu nối để doanh nghiệp Nga mở rộng hoạt động tại thị trường các nước trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Tổng thống Putin đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam tại Nga sinh sống và kinh doanh ổn định, phù hợp với luật pháp của Nga, đồng thời mong muốn phía Nga tiếp tục hỗ trợ cộng đồng Việt Nam.
Trao đổi về những diễn biến phức tạp gần đây trên Biển Đông, Tổng thống Putin chia sẻ, Nga quan tâm theo dõi tình hình ở Đông Nam Á nói chung và Biển Đông nói riêng. Tổng thống cũng khẳng định lập trường của Nga là cần giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982; triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông; ủng hộ việc ASEAN và Trung Quốc phối hợp xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.