Sáng 17/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015 và triển khai kế hoạch cải cách hành chính từ nay đến năm 2020.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng đã yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành và địa phương phải nói thẳng, nói thật hết những vấn đề đang cản trở cải cách hành chính.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong các văn kiện Đại hội lần thứ XI và XII, Đảng đều coi cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm bởi Đảng đã nhận thấy bộ máy cồng kềnh, kém hiệu lực, hiệu quả, cán bộ không làm gương, cán bộ còn nhũng nhiễu, tiêu cực, quan liêu, không sát dân, không phục vụ sự phát triển. Do vậy, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị cần phải tổng kết thực chất công cuộc cải cách hành chính trong 5 năm qua, làm sao phải đánh giá tình hình sát thực tiễn, chứ không phải là thứ tổng kết hình thức. Chính vì vậy, lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương phải nói thẳng, nói thật vào những việc gai góc nhất hiện nay về thể chế, trong dịch vụ hành chính công và tiền lương chứ không thể nói chung chung.
“Chúng ta đang bàn về một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động quyết liệt để phục vụ nhân dân, phục vụ sự phát triển. Vậy thì tinh thần đó được chỉ đạo như thế nào? Các cấp các ngành, từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã, những nơi tiếp xúc trực tiếp với dân có chuyển biến không? Có thực sự phục vụ nhân dân, có nhũng nhiễu hay không? Những hành động cụ thể nào của chúng ta để mang lại niềm tin của nhân dân qua cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính”, Thủ tướng nêu vấn đề, đồng thời yêu cầu các đại biểu cùng tập trung thảo luận, phân tích về khâu yếu nhất mà theo Thủ tướng đó là cán bộ liêm chính phục vụ nhân dân.
“Anh được hưởng lương từ xã, huyện, tỉnh chính là tiền thuế của dân, chứ không phải ai khác. Quan trọng là cấp tỉnh, huyện xã, nơi địa bàn dân cư phải để người dân thấy cán bộ hành chính phục vụ nhân dân. Do đó thực chất trong tổng kết đánh giá chứ không phải hình thức”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị lãnh đạo các Bộ, ngành và 63 tỉnh, thành trong cả nước cần phải chỉ ra được khâu yếu nhất trong cải cách hành chính, nhất là khâu cán bộ hiện nay là gì và hãy hiến kế cho Thủ tướng Chính phủ những giải pháp về cải cách hành chính, trước hết là trong năm nay và năm sau. Bởi nếu tiếp tục giữ nguyên số lượng 2,6 triệu cán bộ, công chức và 2,5 triệu viên chức như hiện nay không thể nâng lương lên được.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2016-2020 là mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt trên 80% vào năm 2020. Bảo đảm sự hài lòng của cá nhân đối với dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp trong các lĩnh vực giáo dục, y tế đạt mức trên 80% vào năm 2020. Quy trình hóa việc giải quyết công việc của cơ quan hành chính theo tiêu chuẩn ISO.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trênTV Online!