Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát vùng ĐBSCL bằng trực thăng. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Hôm nay, Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu với quy mô lớn nhất từ trước đến nay đã bắt đầu diễn ra tại thành phố Cần Thơ. Trước khi chủ trì Hội nghị vào ngày mai (27/9), chiều nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến bay thị sát toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhất là những khu vực ven biển dễ chịu ảnh hưởng của nước biển dâng do biến đối khí hậu gây ra.
Trước chuyến bay thị sát này và trước khi quyết định tổ chức Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, cách đây hơn 2 tháng trong chuyến thăm Hà Lan - một đất nước có nhiều kinh nghiệm về thích nghi với nước biển dâng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng có một chuyến thị sát tương tự bằng trực thăng bên trên những công trình nước ở những lưu vực sông chính và vùng duyên hải của Hà Lan. Những công trình giúp vùng đồng bằng rất lớn của Hà Lan, trong đó có nhiều khu vực nằm dưới mực nước biển từ 0,5 - 6m thích ứng với thiên nhiên chứ không phải chống lại thiên nhiên và giúp Hà Lan giành lại được nhiều diện tích đất từ biển.
Thực ra không phải bây giờ những kế hoạch phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long - nơi có gần 18 triệu người đang sinh sống thích nghi được với lũ và nước biển ngày một dâng cao mới được tính đến. Trước đó, từ mấy năm nay, Hà Lan đã giúp Việt Nam xây dựng xong Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long nhưng hầu như chưa có dự án nào được triển khai và chưa có hội nghị nào bàn một cách toàn diện và tổng thể tất cả vấn đề của Đồng bằng sông Cửu Long như xâm nhập mặn, hạn hán, xói lở, sụt lún và lũ lụt. Nhất là khi vùng đồng bằng này bị tác động kép từ cả biến đổi khí hậu và từ các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong.
Hiện lượng phù sa mịn về Đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn 1/2, khoảng 83 triệu tấn so với trước, trong khi đó trong vòng 25 năm qua vùng đồng bằng này bị lún từ 18 - 53cm do khai thác nước ngầm quá mức và khoảng gần 600km bờ sông, bờ biển bị xói lở. Để sống chung với lũ nhiều tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long xây dựng nhiều tuyến đê bao khép kín ngăn lũ để làm lúa vụ 3, một mặt tạo được chỗ ở ổn định cho bà con nhưng khi nước lũ về không vào được đồng ruộng nên đất bị bạc màu. Nếu Đồng bằng sông Cửu Long không thích ứng được với biến đổi khí hậu thì cuộc sống của 18 triệu người sẽ bị ảnh hưởng, an ninh lương thực không những của Việt Nam mà thế giới cũng bị ảnh hưởng vì vùng đóng góp khoảng 18% GDP cả nước, 90% tổng lượng gạo xuất khẩu, gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và 70% sản lượng trái cây.
Trong chuyến thăm Hà Lan cách đây hơn 2 tháng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Mark Rutte đã ký ý định thư về thực hiện các dự án chuyển đổi quy mô lớn thích ứng với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Hà Lan sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam cập nhật, hoàn thiện Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh thay đổi lớn về chế độ dòng chảy sông Cửu Long, xâm nhập mặn, sạt lở ven sông, ven biển. Hội nghị này được coi như một Hội nghị Diên Hồng, nơi hiệu triệu các ý tưởng lớn giúp Chính phủ và các địa phương đột phá trong tư duy nhằm tìm ra mô hình phát triển bền vững, cũng như xác định các nhóm giải pháp chiến lược về chuyển đổi có quy mô lớn nhằm phát triển bền vững vùng đồng bằng này với tầm nhìn đến năm 2100. Đặc biệt, vùng đồng bằng này phải thích nghi chứ không phải chống lại thiên nhiên vốn đang bị thay đổi do tình trạng biến đổi khí hậu không thể đảo ngược.
Ngay trước chuyến thị sát và chủ trì Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra yêu cầu đối với hội nghị này là phải đưa ra được quyết sách mới có tính hệ thống, chiến lược, đột phá về quan điểm phát triển, định hướng ưu tiên và đề xuất được các cơ chế chính sách phù hợp để huy động sự tham gia của các bên nhằm phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện tác động mạnh mẽ bởi biến đổi khí hậu.
Đặc biệt là phương án, giải pháp phải khả thi, dễ vận dụng, có tính chất kết nối toàn vùng và liên vùng, đi cùng với đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ và quản lý trên cơ sở các nghiên cứu thực tiễn; đồng thời thu hút được tối đa các nguồn vốn nhất là ODA, vốn vay ưu đãi và nguồn vốn tư nhân. Do vậy, hội nghị này là một cơ hội hiếm hoi để tìm ra được mô hình phát triển bền vững cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long trước khi quá muộn bởi trận hạn hán và xâm nhập mặn năm 2016 đã cho thấy vùng này bị tác động bởi biến đổi khí hậu nhanh hơn dự báo.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!