Thủ tướng phát biểu tại buổi lễ. Ảnh VGP/Quang Hiếu
Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 mãi là biểu tượng của khí phách anh hùng, quật cường, bất khuất và tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Đây là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi tới thăm bãi cọc Cao Quỳ và khởi công xây dựng tuyến đường vào Khu bảo tồn di chỉ khảo cổ liên quan tới trận chiến thắng Bạch Đằng của quân dân nhà Trần trước quân xâm lược Nguyên Mông.
Thủ tướng cùng các đại biểu tham quan bãi cọc Cao Quỳ. Ảnh VGP/Quang Hiếu
Bãi cọc Cao Quỳ với 28 cọc gỗ được phát lộ có đường kính từ 10 đến hơn 60 cm, chủ yếu làm bằng gỗ sến và lim được nhân dân phát hiện vào cuối năm ngoái tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên. Từ chiếc cọc thứ 28 mới được phát lộ có đường kính tới 68 cm, dài 3m, đã cung cấp thêm nhiều bằng chứng về quân dân nhà Trần đã dùng hỏa công và vũ khí bằng sắt. Với những phát hiện mới này, có thể các nhà khoa học sẽ phải sắp xếp và nhận thức lại nhiều vấn đề về trận quyết chiến chiến lược trên đoạn sông Bạch Đằng chảy qua huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng và huyện Quảng Yên tỉnh Quảng Ninh. Vì, vị trí bãi cọc nằm đối diện gần Thiên Long Biên và Hang Son, đại bản doanh của nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ ba. Nên có thể khẳng định, quân dân nhà Trần đã ém quân bên phía Thủy Nguyên và có khả năng lớn khu bãi cọc Cao Quỳ và vùng Thủy Nguyên Hải Phòng là trung tâm chuẩn bị chiến trường và trung tâm của các trận giao chiến trong chiến dịch Bạch Đằng cách đây hơn 730 năm. Chiến thắng đã nhấn chìm mộng xâm lăng xuống khu vực Đông Nam Á và Nhật Bản của đế chế Nguyên Mông, được coi là hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Quần thể Di tích khảo cổ học cánh đồng Cao Quỳ là nguồn tư liệu, dữ liệu vật chất vô giá để các nhà khoa học nghiên cứu sâu hơn về chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 là hình ảnh tập trung tiêu biểu nhất của sức mạnh chiến tranh nhân dân, là biểu tượng của khí phách anh hùng, dĩ nhiên quật cường, bất khuất và tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam chúng ta.
Ngay sau khi di tích được phát lộ, Hải Phòng đã chuẩn bị các thủ tục pháp lý để bảo tồn di tích lịch sử này trên diện tích 150 ha. Trong đó, một con đường dài gần 3,5 km nối Quốc lộ 10 với khu vực bãi cọc được xây dựng, cùng với hệ thống hạ tầng phụ trợ và một rừng cây gỗ lim sẽ được trồng với tổng mức đầu tư gần 430 tỷ đồng. Đây là dự án góp phần đưa khu bãi cọc Cao Quỳ trở thành khu di tích lịch sử - văn hóa - danh thắng đặc biệt cấp quốc gia, tiến tới có thể đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!