Đây yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị triển khai các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của ngành tài nguyên và môi trường ngày 8/1.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tập thể lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đặc biệt là biểu dương Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã lăn xả vào công việc trên tất cả các lĩnh vực quản lý. Trong đó, Bộ đã kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy kinh tế trước mắt và chuyển từ trạng thái bị động sang chủ động trong quản lý nên đã tạo ra những gam màu tươi sáng hơn trong bức tranh về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các bộ và địa phương hãy cất bản báo cáo chuẩn bị sẵn để nói thẳng vào những vấn đề tồn tại trong các lĩnh vực này.
Dẫn kết quả điều tra xã hội mới nhất, Thủ tướng cho biết, trong 14 vấn đề mà người dân lo lắng nhất trong cuộc sống hiện nay, sau việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở và tham nhũng là đến ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, thiên tai và biến đổi khí hậu. Từ đó, Thủ tướng chỉ ra nhiều vấn đề mà ngành tài nguyên và môi trường cần phải sớm khắc phục để người dân không còn phải lo lắng.
Thủ tướng cũng chỉ ra tình trạng khiếu kiện về đất đai chưa giảm bớt. Thậm chí, dù Thủ tướng đã chỉ đạo rất quyết liệt nhưng nhiều địa phương vẫn buông lỏng quản lý, để xảy ra tình trạng khai thác đá, cát sỏi trái pháp luật. Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phải xem xét thận trọng và cảnh báo các địa phương trong việc cho phép mở rộng các nhà máy xi măng, đi cùng với có giải pháp hiệu quả đối với vấn đề rác thải nhựa. Nhất là sau khi Thủ tướng đã đưa ra sáng kiến hạn chế rác thải nhựa đại dương tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Canada cuối năm ngoái.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra 4 nhiệm vụ trọng tâm đối với ngành tài nguyên và môi trường trong năm nay, đó là phải coi chừng tình trạng thiết bị cũ, lạc hậu khi Việt Nam đang dần trở thành một công xưởng lớn của thế giới. Thủ tướng cũng đặt ra bài toán đối với Bộ trong việc thúc đẩy và lồng ghép các chương trình để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, đi cùng với phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển ở miền Trung và sạt lở núi cũng như lũ quét, lũ ống ở miền Bắc. Bên cạnh đó, Bộ cũng phải quản lý tốt hơn việc khai thác cát lòng sông và có phương án phục hồi các dòng sông chết.
Một vấn đề được Thủ tướng giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường là tìm ra giải pháp để huy động nguồn lực từ xã hội để giải quyết các vấn đề về môi trường, đi cùng với việc phải đổi mới việc định giá đất theo các chuẩn mực quốc tế để chống thất thoát, lãng phí. Đặc biệt, trong năm nay, Bộ phải ban hành bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng kết quả bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành phố để hàng năm công bố chỉ số này giống như chỉ số về cải cách hành chính.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!