Sau các Hội nghị để tháo gỡ khó khăn cho từng ngành hàng, đây là là một nỗ lực nữa của Chính phủ nhiệm kỳ này nhằm đưa nông nghiệp Việt Nam đứng vào top 15 nước phát triển nhất thế giới, sau 10 năm nữa. Bởi chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp là khâu then chốt để nâng cao giá trị của các sản phẩm nông nghiệp.
Mười năm trở lại đây, chế biến nông sản của cả nước đã tăng gấp 3 lần so với cách đây 10 năm. Với 7.500 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp để xuất khẩu, mỗi năm đã chế biến khoảng 120 triệu tấn nông sản. Góp phần làm cho nông sản Việt Nam xuất khẩu tới 186 nước và vùng lãnh thổ đạt kim ngạch trên 41 tỷ USD. Tuy nhiên, 2/3 sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sơ chế có giá giá trị gia tăng thấp. Còn tổn thất sau thu hoạch lên tới từ 10 - 20%. Ở lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp dù đang tăng nhanh ở một số khâu nhưng vẫn còn thấp, chỉ bằng non nửa so với Thái Lan. Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các đại biểu không đọc một lèo các bài chuẩn bị sẵn mà lắng nghe ý kiến sát thực từ các doanh nghiệp.
Sẽ có nhiều chính sách để làm giàu từ nông nghiệp
Chính phủ sẽ xây dựng Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông lâm, thủy sản và Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Chỉ thị để tháo gỡ khó khăn cho hai lĩnh vực rất quan trọng này của một nền nông nghiệp, để doanh nghiệp và nông dân có thể làm giàu từ nông nghiệp. Đây là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định đây là một hội nghị quan trọng, vì liên quan đến khoảng 65% dân số sống ở nông thôn. Đồng thời góp phần thực hiện tốt mục tiêu kép hiện nay là vừa chống dịch COVID-19 vừa phát triển sản xuất kinh doanh. Bởi, nền nông nghiệp nước nhà hiện không chỉ đảm bảo đủ ăn cho gần 100 triệu dân mà đã có kim ngạch xuất khẩu lên đến trên 41 tỷ USD.
Thủ tướng nhấn mạnh chỉ có sản xuất nông nghiệp quy mô lớn thì mới cơ giới hóa và chống được lãng phí và thất thoát trong nông nghiệp. Hơn nữa, chế biến sâu là hướng đi quan trọng để Việt Nam chủ động với thị trường toàn cầu và giải quyết tình trạng "được mùa rớt giá". Để hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện được mục tiêu này, cùng với Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông lâm, thủy sản trình với tầm nhìn phấn đấu sau 10 năm nữa Việt Nam đứng trong top 10 thế giới, là một trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu. Đồng thời, cơ giới hóa đồng bộ, hiện đại ở các ngành hàng chủ lực. Cùng với đó là Đề án phát triển 3 ngành chế biến, để phấn đấu đứng trong top 5 nước hàng đầu thế giới về: chế biến rau, củ, quả; thủy, hải sản; gỗ và sản phẩm từ gỗ. Chính phủ cũng sẽ ban hành Nghị định về chính sách đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp. Với các chính sách sẽ sớm được ban hành này, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải tập trung triển khai thực hiện.
Thủ tướng cũng giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại kéo dài thời gian vay và có lãi suất ưu đãi các dự án đầu tư chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa nông nghiệp. Thủ tướng giao Bộ Công Thương thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp chế tạo các loại máy kéo, các loại máy canh tác, bảo quản, chế biến sản phẩm nông lâm ngư nghiệp. Đồng thời xây dựng đề án, kế hoạch phát triển logistics gắn với vùng sản xuất, kinh doanh nông nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp giảm chi phí và thời gian vận chuyển, phân phối sản phẩm. Bộ Khoa học và Công nghệ được Thủ tướng giao triển khai các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, hợp tác xã trong lĩnh vực nâng cấp công nghệ chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!