Thúc đẩy đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 12/03/2020 21:51 GMT+7

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP.

VTV.vn - Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam là công trình quan trọng quốc gia đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và được bố trí vốn với 11 dự án thành phần.

Chiều 12/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc làm việc giữa Thường trực Chính phủ với lãnh đạo các Bộ, ngành về đề xuất chuyển một số dự án của tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ đầu tư theo phương thức đối tác công - tư sang đầu tư bằng vốn đầu tư công.

Trong chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19 ban hành vào tuần trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền về việc chuyển đổi từ đầu tư theo phương thức đối tác công - tư sang đầu tư công đối với các dự án trọng điểm. Trong đó có các dự án thành phần của dự án đầu tư xây dựng một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cũng như xem xét việc áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư, chỉ định thầu, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, sau 3 dự án thành phần trong 11 dự án của tuyến cao tốc Bắc - Nam đang được triển khai bằng vốn đầu tư công thì 8 dự án còn lại đều đang trong quá trình sơ tuyển, để tháng 10 tới đây chọn nhà đầu tư theo phương thức đối tác công - tư. Tuy nhiên, rủi ro là nếu các ngân hàng không thu xếp được vốn tín dụng cho các doanh nghiệp vay để đầu tư, các dự án này sẽ không thể thực hiện được.

Lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo các Bộ ngành đều nhất trí cho rằng việc huy động vốn từ xã hội để đầu tư cho cả 8 dự án này gặp rất nhiều thách thức. Vì kinh nghiệm triển khai hơn 50km cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vừa qua cho thấy dù Thủ tướng mất rất nhiều công sức và Nhà nước phải góp hơn 2.800 tỷ đồng vào dự án nhưng nhà đầu tư vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong vay vốn tín dụng từ các ngân hàng. Hơn nữa, thời gian tới các các ngân hàng không thể cho vay vượt hạn mức tín dụng.

Từ thực tế này, Thường trực Chính phủ nhất trí sẽ trình cấp có thẩm quyền quyết định đưa vào danh mục đầu tư công 3 dự án cao tốc, đoạn từ Mai Sơn tỉnh Ninh Bình đến Quốc lộ 45 tỉnh Thanh Hóa dài hơn 65 km; cùng với đoạn từ Quốc lộ 45 đến Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, dài gần 40km và đoạn từ Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai đến Phan Thiết của tỉnh Bình Thuận, dài gần 100km.

Nếu được cấp có thẩm quyền thông qua, Thường trực Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải tổ chức khởi công ngay trong tháng 8 tới. Đối với 5 dự án còn lại, trong đó có đoạn từ Cần Thơ đến Cà Mau, tiếp tục thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công - tư. Riêng đoạn từ Mỹ Thuận đến Cần Thơ, Chính phủ sẽ hỗ trợ tối đa để dự án này sớm được triển khai.

Trong bối cảnh nền kinh tế bị tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19, gần đây, các doanh nghiệp và giới chuyên gia kinh tế đều kiến nghị Chính phủ tăng cường đầu tư công, nhất là vào các dự án giao thông có quy mô lớn để vừa tạo thị trường vừa là cú hích cho khu vực tư nhân có điều kiện phát triển, vượt qua khó khăn.

Chậm giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam Chậm giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam

VTV.vn - Công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng cao tốc Bắc Nam được đánh giá là chậm so với tiến độ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!


Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước