Nở rộ “nhà cao tốc”, “cây cao tốc” trục lợi từ dự án cao tốc Bắc - Nam

Quỳnh Mai - Uyên Phương - Văn Dương - Hoàng Vũ (VTV9)Cập nhật 20:57 ngày 16/12/2019

VTV.vn - Những hành vi ngang nhiên xây nhà, trồng cây để chạy theo tiền đền bù dự án cao tốc Bắc - Nam đã khiến các cơ quan chức năng "đau đầu" tìm cách giải quyết.

Nếu nhìn bề ngoài, một căn nhà ở tỉnh Bình Thuận là hoàn toàn bình thường, nhưng nó lại sở hữu một cái tên vô cùng đặc biệt - "nhà cao tốc". Nguyên nhân là vì căn nhà này được hình thành, xây dựng nên chỉ trong một đêm duy nhất, mục đích là trục lợi từ dự án cao tốc Bắc - Nam. "Nhà cao tốc" không phép này được gia đình ông Đoàn Phú (xã Bình Tân, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) tự ý cất vào tháng 5/2019. Điều đáng nói, nhà lại nằm ngay vị trí dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua. Trao đổi với phóng viên, ông Phú cho rằng đó chỉ là sự tình cờ.

Không chỉ sở hữu nhà cao tốc, ông Phú còn sở hữu một vườn "cây cao tốc" rộng hơn 1,3ha với hàng chục nghìn cây các loại, trong đó có gần 7.000 cây xoài. Số lượng này đã vượt hơn 11 lần mật độ cho phép theo quy định trồng trọt. Cây cũng chỉ mới được trồng vào tháng 3/2018 và đương nhiên cũng ở ngay vị trí dự án.

Trường hợp của ông Phú không phải cá biệt. Dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Bình Thuận 100km, trong đó đoạn qua địa bàn huyện Bắc Bình là hơn 42km. Tuy nhiên, theo báo cáo của huyện, có đến 60 hộ vi phạm vừa xây dựng vừa trồng cây mật độ dày trên phạm vi giải phóng mặt bằng từ năm 2018 đến tháng 5/2019. Điều này đã gây nên nhiều bức xúc cho những người dân chấp hành tốt.

Khi tiếp xúc trao đổi với phóng viên, câu trả lời của các hộ dân luôn luôn là "chúng tôi không biết gì về dự án cao tốc Bắc - Nam, chúng tôi chỉ trồng cây vì mục đích kinh tế gia đình". Theo ghi nhận của phóng viên, những cây xoài, cây mít được trồng lại không được chăm sóc, thậm chí chúng còn bị héo, chết khô. Mật độ trồng cây cũng bất thường, gấp hàng chục so với quy định của Bộ NN&PTNN.

Việc trục lợi trước khi có chính sách đền bù đã khiến nhiều hộ rơi vào tình cảnh "gậy ông đập lưng ông". Nguyên nhân là do trong tháng 7 vừa qua, khi chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng được ban hành, những hành vi lợi dụng để trồng "cây cao tốc", xây "nhà cao tốc" sẽ không được bồi thường.

Như vậy, không có chuyện đếm gốc cây để bồi thường, ở đây sẽ phân loại rõ ràng theo quy định pháp luật, một bài toán kinh tế với những hậu quả "nhãn tiền" cho những hộ trục lợi. Theo các nhà trồng trọt, với 1ha để đầu tư trồng đúng mật độ 600 cây xoài, chi phí giống, phân bón, nhân công... xấp xỉ gần 200 triệu đồng. Tuy nhiên, đơn giá bồi thường ban hành với cây xoài đúng mật độ là 380.000 đồng. Còn nếu vượt mật độ, lại trồng dưới 4 năm thì chỉ được 20% đơn giá, tức là chỉ được 76.000 đồng/cây và chỉ được đền bù với 600 cây. Nếu đền bù theo quy định, những hộ cố tình trồng nhiều, trồng dày đặc cũng chỉ là hơn 45 triệu đồng. Như vậy, có thể hiểu các hộ dân có hành vi trục lợi sẽ thiệt hại trước mắt là 155 triệu đồng, nếu vay vốn có lẽ họ sẽ "rước nợ ngập đầu".

Công tác bồi thường đang vào giai đoạn nước rút khi thời hạn bồi thường đã gần hết. Tuy nhiên, đến cuối tháng 10, theo ghi nhận của phóng viên, công tác bồi thường vẫn gặp khó với một số hộ dân, thậm chí nhiều hộ cương quyết không ký biên bản cho những hành vi sai trái này. Hậu quả là gây khó cho công tác bồi thường của địa phương khi nhiều hộ luôn có những đòi hỏi, yêu cầu bồi thường thêm tiền, từ đó tạo ra sự bất bình cho những hộ chấp hành đúng pháp luật. Bên cạnh đó, điều này còn gây ảnh hưởng xấu đến bộ mặt của địa phương khi cho rằng nơi đây là nôi của "nông nghiệp cao tốc" theo chiều hướng tiêu cực.


Bình Thuận đẩy nhanh giải phóng mặt bằng cho dự án cao tốc Bắc - Nam Bình Thuận đẩy nhanh giải phóng mặt bằng cho dự án cao tốc Bắc - Nam

VTV.vn - Hiện tỉnh Bình Thuận là địa phương đạt tiến độ giải phóng mặt bằng để thi công dự án cao tốc Bắc - Nam cao nhất so với các địa phương khác.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.