Thực hiện thêm 2 đột phá chiến lược để phát triển

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 05/12/2018 19:12 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tham dự Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam. (Ảnh: VGP)

VTV.vn - Để đưa Việt Nam trở thành nước có mức thu nhập trung bình cao, sau hơn 15 năm nữa, Chính phủ sẽ cần thực hiên thêm 2 đột phá chiến lược.

Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam đã diễn ra sáng nay (5/12). Đây là lần đầu tiên Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức diễn đàn này. Diễn đàn có chủ đề tầm nhìn mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên mới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố: Để thực hiện được khát vọng đưa Việt Nam trở thành nước có mức thu nhập trung bình cao, sau hơn 15 năm nữa, Chính phủ sẽ cần thực hiện thêm 2 đột phá chiến lược. Đó là thúc đẩy năng lực sáng tạo và ứng dụng công nghệ 4.0, đi cùng với thúc đẩy và phát huy khu vực kinh tế tư nhân.

Diễn đàn thường niên về Cải cách và Phát triển Việt Nam là bước kế thừa và phát triển của Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ trước và sau đó được chuyển thành Diễn đàn Phát triển Việt Nam cách đây 5 năm.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam nhằm tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa Chính phủ với các đối tác phát triển, các học giả, chuyên gia ở trong, ngoài nước, cùng với khu vực kinh tế tư nhân nhằm đưa ra những khuyến nghị hiệu quả, để đẩy mạnh cải cách và phát triển kinh tế Việt Nam. Đây cũng là bước đi ban đầu, để trở thành Diễn đàn Cải cách và phát triển thường niên lớn nhất Việt Nam, mang tầm khu vực và quốc tế với sự tham gia của các chuyên gia, học giả hàng đầu trên thế giới, nhằm đề xuất những giải pháp, hành động cải cách và phát triển có tính khả thi cao cho không chỉ Việt Nam mà cả khu vực.

Tại Diễn đàn Cải cách và phát triển lần đầu tiên này, khung chính sách kinh tế Việt Nam đã được công bố. Đây là bản tóm tắt các chính sách và mục tiêu phát triển của Việt Nam từ nay đến năm 2035, với khát vọng đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao. Qua đó, thu nhập bình quân đầu người đạt 10.000 USD, tức là gấp gần 4 lần so với hiện nay. Khung chính sách kinh tế này thể hiện chủ thuyết phát triển của Việt Nam dựa trên 3 trụ cột chính đó là thịnh vượng về kinh tế, đi đôi với bền vững về môi trường, công bằng và hòa nhập xã hội, nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của nhà nước. Đây cũng là một thông điệp rõ ràng về quyết tâm xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển, hành động và liêm chính. Trong đó, người dân là trọng tâm của phát triển. Mọi chính sách của Chính phủ đều hướng tới hạnh phúc của người dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam ra đời đã cho thấy đây là dấu mốc chuyển mình của Việt Nam sau 25 năm, từ một nước nhận viện trợ, đã vươn lên trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và tích cực giải quyết những vấn đề toàn cầu. Trong mỗi bước đi trên hành trình này, Việt Nam luôn có được sự ủng hộ, đồng hành đáng tin cậy và niềm tin của những đối tác cùng như các nhà tài trợ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chuyển đổi thành công từ một quốc gia có trình độ phát triển thấp trở thành một nền kinh tế có thu nhập trung bình với tốc độ phát triển cao và ổn định là điều không dễ dàng. Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang đứng trước nguy cơ rất lớn bị bỏ lại và rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Vì thế, Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều để cải thiện 3 điểm nghẽn chiến lược cản trở sự phát triển là thể chế pháp luật, cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực. Nhưng, những kết quả này chưa đáp ứng được yêu cầu, cũng như chưa tương xứng với tốc độ phát triển mà Việt Nam kỳ vọng. Nếu không chuyển đổi thành công thì những thành quả mà Việt Nam đạt được trong mấy thập niên qua sẽ giảm đi nhiều ý nghĩa.

Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ tầm nhìn về sự phát triển của Việt Nam, đã được Thủ tướng trình bày trước Quốc hội vào đầu tháng 11 vừa qua. Song, Thủ tướng cũng cho rằng, có khát vọng, có niềm tin vào tương lai nhưng Việt Nam cũng nhận thức rõ con đường hiện thực hoá tầm nhìn và chiến lược phát triển của mình không bằng phẳng mà sẽ chông gai, nhiều thách thức. Chính vì lẽ đó, trong thực hiện 3 đột phá chiến lược là thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng, Chính phủ sẽ tăng tốc trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; đi cùng với tập trung chuyển đổi chính phủ số. Chính phủ xác định nhân lực là chìa khóa vàng cho sự thành công trong tương lai. Con người và Công nghệ ví như chiếc chìa khóa và cái ổ khóa, phải tương thích với nhau. Về cơ sở hạ tầng, Chính phủ sẽ ưu tiên đầu tư cho hạ tầng thông minh, hạ tầng công nghệ số để tăng khả năng kết nối. Cùng với thực hiện 3 đột phá này, Chính phủ sẽ bổ sung thêm 2 đột phá mới, coi đó là 2 động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam trong thập niên tới. Trong đó có thúc đẩy năng lực sáng tạo và ứng dụng công nghệ 4.0, đi cùng với thúc đẩy và phát huy khu vực kinh tế tư nhân. Đây cũng là 2 đột phá được Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam khuyến nghị Chính phủ.

Thủ tướng cho biết, từ năm tới, Chính phủ sẽ chuẩn bị một Chiến lược phát triển mới cho thời kỳ 2021 - 2030 và chuẩn bị các chương trình nghị sự, đặt nền móng hướng tới tầm nhìn 2045. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các phát hiện, đề xuất, kiến nghị tại diễn đàn hôm nay, nghiên cứu báo cáo Thủ tướng để Chính phủ hành động hướng tới sự thịnh vượng và bền vững của Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước