Tiền Giang: Người dân chủ quan với sốt xuất huyết

Duy Anh-Thứ năm, ngày 09/05/2013 18:36 GMT+7

Tuy số ca mắc bệnh sốt xuất huyết ở Tiền Giang giảm so với cùng kỳ nhưng mùa mưa tới là điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản và phát triển, dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao.

Trước nguy cơ dịch bệnh, ý thức chủ động phòng, chống bệnh của một bộ phận người dân vẫn còn chưa cao. Điều này không chỉ làm gia tăng gánh nặng chi phí, mà còn khiến công tác phòng chống dịch bệnh không phát huy hiệu quả.

Trường hợp một bệnh nhi tại Khoa Nhi, bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang, mặc dù gia đình cháu đã có người mắc sốt xuất huyết độ 3 nhưng tới ngày thứ 5 cháu sốt cao gia đình cháu mới đưa tới bệnh viện.

Tình trạng bệnh nhi khi được đưa tới viện bệnh nhân bị tái sốc kèm với xuất huyết niêm mạc, suy tim, suy hô hấp, cho thở oxy áp lực cao, truyền dịch, cho thuốc vận mạch, chống suy tim. Sau gần một tuần điều trị, cháu mới đòi ăn, trên da xuất hiện các nốt ban phục hồi.

‘Nếu các dụng cụ chứa nước có lăng quang còn chưa được tăng cường hạn chế, nguy cơ bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết là rất cao. (Ảnh minh họa)

Chị Đặng Thị Kim Cương, Xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè cho biết: “Lúc đầu bé sốt, co giật rồi đưa vào trạm y tế nói là sốt siêu vi. Rồi nằm 5 ngày theo dõi, đến ngày thứ năm cháu bí tiểu luôn. Khi chuyển vào đây bác sĩ nói cháu bị quá nặng”.

Tính đến ngày 28/4, toàn tỉnh Tiền Giang có 433 ca mắc bệnh sốt xuất huyết. Riêng huyện Cai Lậy có 132 ca, cao nhất tỉnh. Bình quân, mỗi tháng tại địa phương này có 33 trường hợp mắc mới. Đáng lo ngại số ca mắc ở độ nặng lại tăng cao do ý thức chủ quan của người dân. Điều này làm gia tăng tỷ lệ tử vong.

Bác sĩ CKI Trần Duy Minh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng, huyện Cai Lậy cho biết: "Thói quen của người dân ở Cai Lậy trữ nước mưa kể cả nước máy thì đây là điều kiện để lăng quăng sinh sống và phát sinh ra muỗi. Vì vậy, dẫn đến số ca mắc trên địa bàn tăng cao như thế”.

Đối với những hộ gia đình đang sinh sống trên địa bàn dễ phát sinh dịch sốt xuất huyết, chỉ cần các hành động đơn giản hạn chế môi trường của muỗi và loăng quang phát triển thì hoàn toàn có thể hạn chế và ngăn ngừa được dịch bệnh bùng phát. Tuy nhiên, điều này ít được người dân quan tâm.

Từ thực tế cho thấy, ngoài nỗ lực của ngành chức năng, thì nguy cơ dịch sốt xuất huyết có lây lan và bùng phát trên diện rộng hay không, tùy thuộc rất nhiều vào ý thức phòng bệnh của người dân.

Mặc dù công tác giám sát được thực hiện thường xuyên nhưng do lực lượng y tế mỏng nên chỉ số nhà có lăng quăng, chỉ số BI (chỉ số dụng cụ chứa nước có lăng quăng) còn rất cao. Điều này làm tăng áp lực trong công tác phòng bệnh khi đúng vào thời điểm này Tiền Giang đang phải đối phó cúm gia cầm và cao điểm của bệnh tay chân miệng.

Bác sĩ Trần Thanh Thảo, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang cho biết: “Hiện nay chúng tôi đang triển khai diệt lăng quăng và chuẩn bị thuốc phun xịt, máy phun để sẵn sàng dập dịch khi xảy ra. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã chỉ đạo các cơ sở y tế chuẩn bị thuốc men, phương tiện và tập huấn lại phác đồ điều trị”.

Những gì đang diễn ra ở Tiền Giang cho thấy, những nỗ lực phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát chỉ thật sự có ý nghĩa và phát huy hiệu quả khi có sự chung tay của cộng đồng.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước