Đây là đề xuất của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình vào ngày 3/12. Theo ông Đặng Tuấn Tú, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, vào mùa mưa, chim di trú nên có hiện tượng chim va chạm vào máy bay, gây ảnh hưởng đến an toàn bay. Cụ thể, trong năm 2016, có hơn 20 vụ máy bay va chạm với chim. Vào ngày 24/9, chim bay va vào động cơ của máy bay A321 đã dẫn đến mẻ cánh quạt động cơ, khiến máy bay này phải ngưng khai thác để sửa chữa.
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải xin triển khai dự án đầu tư hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường hạ - cất cánh. Hoạt động này nhằm mục tiêu giúp tự động hóa việc phát hiện các vật thể lạ; hạn chế, loại bỏ các sự cố gây nguy hiểm trên đường cất - hạ cánh do vật thể lạ, chim, động vật hoang dã xâm nhập. Nếu được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận, dự án sẽ được triển khai trong năm 2017 và dự kiến có thể đưa vào khai thác vào năm 2018. Khoản kinh phí đầu tư dự kiến sẽ được triển khai theo phương thức xã hội hoá và thu phí từ hành khách.
Hiện nay, sân bay Tân Sơn Nhất đã triển khai việc cắt cỏ, nạo vét kênh mương, hạn chế nguồn thức ăn, nơi trú ngụ của chim, đảm bảo vệ sinh môi trường, thường xuyên theo dõi và đuổi chim. Trong khi chờ đợi chủ trương cho triển khai dự án, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã đề nghị Cảng vụ hàng không miền Nam và quận Tân Bình yêu cầu người dân chấm dứt tình trạng nuôi thả chim bồ câu khu vực gần sân bay, đảm bảo an ninh, an toàn hàng không.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!