Du khách tham quan làng nón Chuông (huyện Thanh Oai). Ảnh: Hà Nội mới
Với hệ thống làng nghề truyền thống dày đặc trên khắp các địa phương, Việt Nam có được sự đa dạng đặc biệt về sản phẩm thủ công truyền thống. Nhưng cho đến nay việc đưa khách du lịch về với các làng nghề vẫn còn rất hạn chế và các tour du lịch này thực sự chưa hấp dẫn, thu hút được sự quan tâm của phần lớn du khách. Đây có thể nói là một sự lãng phí lớn trong quá trình xây dựng và phát triển các làng nghề truyền thống.
Tại Hội thảo Phát triển du lịch làng nghề truyền thống do Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc phối hợp với Hội làng nghề Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội, các cơ quan chức năng đã bàn giải pháp khắc phục tình trạng này.
Các tham luận tại hội thảo đều khẳng định, với hệ thống hơn 3.000 làng nghề trên địa bàn cả nước, có thể nói Việt Nam là quốc gia có nhiều làng nghề nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên làng nghề Việt Nam đang thiếu những yếu tố căn bản để phục vụ hoạt động này.
TS. Bạch Quốc Khang, Chủ tịch Công đoàn Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam nhận xét: “Từ xưa đến nay, chúng ta chỉ mới làm nghề chứ chưa chú ý đến du lịch, nên hiện các làng nghề Việt Nam vẫn thiếu quy hoạch, môi trường không đảm bảo, thiếu không gian trình diễn cho các nghệ nhân và cho cả khách du lịch để họ được tham gia vào quá trình sản xuất của làng nghề”.
Do thiếu quy hoạch trong nhiều năm, nên hiện các làng nghề truyền thống của Việt Nam đều không có được những nét văn hóa đặc trưng hấp dẫn du khách ngay từ khi mới đặt chân đến. Các làng nghề hiện tại chỉ đơn giản là nơi tập trung các xưởng sản xuất nhỏ, chật hẹp, thậm chí chất lượng môi trường không đảm bảo nên rất khó thu hút du khách. Bên cạnh đó, do không có định hướng phát triển sản phẩm phục vụ du lịch, nên hầu hết các làng nghề dù có truyền thống lâu đời và nhiều nghệ nhân tài hoa nhưng đến nay, rất ít nơi có được những sản phẩm tinh hoa, tinh xảo thực sự hấp dẫn.
Theo ông Lưu Huy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam: “Sản phẩm của chúng ta còn đơn điệu quá, chúng ta chưa thể có được những sản phẩm mang nhiều hàm lượng văn hóa của địa phương, nên chưa thể khiến người nước ngoài say mê phải bỏ tiền ra mua. Đó thực sự là thiếu sót và lãng phí rất lớn”.
Theo nhận định chung, việc đưa hoạt động du lịch về với các làng nghề truyền thống sẽ không chỉ tạo ra một nguồn thu nhập mới cho người dân làng nghề, mà còn góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển nghề truyền thống ở địa phương bằng việc tạo ra những sản phẩm có hàm lượng, đặc trưng văn hóa cao đáp ứng nhu cầu du khách. Để làm được điều này, trước mắt cần có những lựa chọn hợp lý, chọn ra những làng nghề phù hợp để tiến hành quy hoạch không gian làng nghề và đào tạo nguồn nhân lực không chỉ giỏi nghề, mà còn biết trình diễn và tham gia các hoạt động du lịch.