Nghi lễ giỗ Tổ Hùng Vương vào tháng 3 hàng năm tại Phú Thọ. Ảnh: Báo ảnh Việt Nam
Đúng 12h10 (giờ Paris, tức 18h10 giờ Việt Nam) ngày 6/12, tại kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đang diễn ra ở Paris (Pháp), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức thông qua quyết định công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể.
Như vậy, người dân Việt Nam đã có thêm một di sản được thế giới vinh danh và càng tự hào hơn khi đó là di sản tôn vinh tinh thần và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, hơn 86 triệu con Lạc cháu Hồng sinh sống trên dải đất Việt Nam đã lập tới 1.417 di tích thờ các vua Hùng, rồi tổ chức lễ hội hàng năm để bày tỏ tấm lòng tri ân tiên tổ. Đây thực sự là một minh chứng khẳng đình, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một di sản văn hóa độc đáo và có giá trị trường tồn với thời gian.
Cứ mỗi tháng Ba về, kẻ xa, người gần dù bận đến mấy cũng cố gắng thu xếp hành hương về miền đất Tổ. Không chỉ bây giờ, mà hàng ngàn đời nay, người Việt đã sống như thế.
"Sự tử là để sự vinh, sự vong là để sự tồn", trong tâm thức của người Việt Nam, Vua Hùng có một vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh, tình cảm của dân tộc, vừa thiêng liêng, vừa cụ thể và cũng hoàn toàn khác với những biểu tượng tín ngưỡng tôn giáo trên thế giới.
Giáo sư, Viện sĩ, Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đánh giá: “Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng có thể nói là hết sức độc đáo, giữ vai trò trung tâm, đoàn kết tập hợp tất cả các thành phần dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Có sức sống rất bền bỉ, vượt qua cả thời Bắc thuộc, vượt qua biết bao thử thách trong lịch sử để trường tồn cùng đất nước, dân tộc”.
Còn theo Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một sự kết nối lịch sử, vượt qua rào cản của các triều đại phong kiến, vượt lên trên sự khác biệt của các chế độ xã hội và sự khác biệt tôn giáo… để có biểu tượng cội nguồn duy nhất. Đó cũng là điều căn bản triết lý để hình thành một quốc gia thống nhất.
“Không chỉ ở thượng tầng kiến trúc nhà nước, mà ở trong lòng của mỗi con người. Bởi mỗi con người, mỗi gia đình đều có tổ tiên của mình. Và người ta coi cả quốc gia, dân tộc Việt Nam cũng là một gia đình, cũng có tổ tiên. Như thế nó là tình cảm hóa, chứ không phải là ý thức chính trị nữa. Khi trở thành tình cảm và nhất là được tín ngưỡng thì tính bền vững là rất cao”.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã phát biểu trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm 1969: "Từ lòng biết ơn đến sự tôn kính các thế hệ tiền nhân và tổ tiên gia đình, dòng họ; dân tộc ta đã phát triển hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần ấy thành một đạo lý và tín ngưỡng dân tộc độc đáo, là tín ngưỡng và phụng thờ một Tổ tiên chung của toàn dân tộc - các Vua Hùng". Vì lẽ đó, thờ cúng Hùng Vương đã và đang có sức lan tỏa mãnh liệt, trở thành chất keo bền chặt gắn nghĩa "đồng bào".
Ông Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ: “Giá trị của đạo lý Uống nước nhớ nguồn là tạo nên nền tảng của người Việt. Đây chính là sức mạnh để người Việt chúng ta chiến thắng trong việc chống thiên tai trong thời kỳ dựng nước, giữ nước đầu tiên, sau này là quá trình đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới”.
Trong ngày giỗ Tổ năm Bính Tuất 1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng - lúc đó là Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã thay mặt chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến Đền Hùng dâng lên Quốc Tổ tấm bản đồ đất nước và 1 thanh gươm quý, nhằm cáo với Tổ tiên đất nước đã thu về một mối và thể hiện quyết tâm bảo vệ nền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ. Hẳn không nhiều người biết câu chuyện này. Và thêm khẳng định, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là biểu tượng cho khát vọng trường tồn, độc lập của dân tộc.