Có thể bỏ phiếu tín nhiệm khi ít nhất 20% đại biểu Quốc hội kiến nghị. Ảnh: VNN
Sáng nay (23/10), Quốc hội đã nghe Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Theo Dự thảo Nghị quyết, để triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và Nghị quyết của Quốc hội về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, thì việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn là cần thiết. Đây cũng là một bước cụ thể hóa các quy định hiện hành của Hiến pháp và luật, khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy trình bỏ phiếu tín nhiệm hiện nay; góp phần đưa các quy định của Hiến pháp và luật về bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn đi vào cuộc sống.
Qua việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm sẽ nhận biết rõ sự đánh giá của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân về mức độ tín nhiệm trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình; trên cơ sở đó có biện pháp phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của bản thân; đáp ứng yêu cầu của công tác cán bộ; bổ sung căn cứ để thực hiện công tác quy hoạch, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ một cách hiệu quả, đúng người, đúng việc; khuyến khích những người tín nhiệm thấp tự nguyện từ chức; kịp thời đưa ra khỏi vị trí lãnh đạo, quản lý những người không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao mà không phải chờ đến hết nhiệm kỳ. Kết quả của lấy phiếu tín nhiệm sẽ là một căn cứ để Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do cơ quan này bầu hoặc phê chuẩn.
Cũng theo Dự thảo Nghị quyết, Quy trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm phải được thực hiện một cách dân chủ, công bằng, công khai, khách quan, có cơ sở pháp lý; Quy trình lấy phiếu tín nhiệm cần đơn giản, rõ ràng; quy trình bỏ phiếu tín nhiệm cần chặt chẽ, thận trọng; bảo đảm hoạt động bình thường của bộ máy nhà nước ở trung ương và địa phương, sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ.
Về thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, Dự thảo đề nghị quy định việc lấy phiếu tín nhiệm cần được tiến hành định kỳ hàng năm theo tinh thần của Nghị quyết trung ương 4.
Người có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” có thể xin từ chức nếu xét thấy bản thân không đủ tín nhiệm hoặc không đủ khả năng đảm nhiệm chức vụ đó; cơ quan hoặc người đã giới thiệu để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn việc bổ nhiệm có thể trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm người đó để điều động sang vị trí công tác khác phù hợp hơn, đồng thời chủ động đề nghị cơ quan có thẩm quyền lựa chọn người để giới thiệu thay thế; trường hợp đã hết nhiệm kỳ thì không tiếp tục giới thiệu tái cử chức vụ đó nhiệm kỳ tiếp theo.
Người có 2 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm.
Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã nghe báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật.