Tinh gọn bộ máy để hoạt động hiệu quả là vấn đề được nhiều tờ báo đề cập trong tuần qua với những ví dụ rất cụ thể đến từ các tỉnh, thành phố khác nhau trên cả nước. Báo Lao động đã lấy hình ảnh các đại biểu HĐND tỉnh Lào Cai biểu quyết thông qua Nghị quyết sáp nhập hai Sở của tỉnh để nói về chủ đề này. Hai sở được tỉnh Lào Cai thống nhất sáp nhập là Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng, thành Sở Giao thông vận tải - Xây dựng.
Bên cạnh đánh giá cao Lào Cai, tờ Lao động đã phân tích về nguyên nhân các địa phương vẫn còn ngại việc sáp nhập này, bởi lẽ sáp nhập là mất ghế mất chức, mất quyền lực là mất quyền lợi nên không ai muốn tự cắt đi lợi ích của chính mình. Không vượt qua được chuyện lợi danh, không thể sáp nhập được các sở. Tuy nhiên tác giả nhấn mạnh, Lào Cai làm được thì không lý do gì địa phương khác không làm được.
Sáp nhập nhưng vẫn phải tinh gọn và hiệu quả, do đó, thời gian qua thủ đô Hà Nội cũng đã tiến hành nhiều giải pháp để tinh gọn lại bộ máy hành chính, như sắp xếp tổ chức lại các sở ngành cơ quan ngang sở giảm từ 204 phòng, ban trực thuộc xuống còn gần một nửa, giảm từ hơn 400 đơn vị sự nghiệp công lập xuống còn 280. Đặc biệt, một trong những giải pháp mới để tăng chất lượng từ tinh giản bộ máy, đó là từ ngày 1/7/2018, Hà Nội thực hiện đánh giá thi đua hàng tháng với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Việc này sẽ tiệm cận sát hơn về năng lực, trách nhiệm làm việc của mỗi cá nhân.
Bộ Nội vụ đã đề xuất những phương án để sáp nhập và giảm thiểu bớt các sở ngành. Theo đó, có thể giảm tối thiểu từ 46 đến 88 Sở trên cả nước, chưa bao gồm các sở không đủ tiêu chí thành lập, cần sắp xếp lại. Cụ thể, Bộ Nội vụ còn đề xuất áp cả quy định cứng về số sở cho Hà Nội và TP.HCM không quá 20 sở, ngành, các tỉnh còn lại từ 17-19 sở, ngành. Đây là những con số được báo Gia đình và xã hội đưa ra nhằm minh hoạ cho sự quyết liệt từ phía Bộ Nội vụ.
Dù là việc làm đáng được đánh giá cao, nhưng có quan điểm cho rằng quá trình này là chuyện đại sự, cần phải làm thận trọng từng bước, không phải thích thì nhập và khó lại tách.