Tình trạng vùng nuôi tôm bị bỏ hoang tiếp tục kéo dài

Tấn Quýnh (Ban Thời sự)-Thứ tư, ngày 17/08/2016 14:15 GMT+7

VTV.vn - Các vùng nuôi tôm tiếp tục bị bỏ hoang - một thực tế kéo dài dai dẳng suốt nhiều năm qua.

Tăng trưởng âm của kinh tế nông nghiệp do ảnh hưởng của thiên tai tiếp tục là vấn đề nóng. Nhiều chuyên gia cho rằng, có thể bù được những thiệt hại đó nếu Việt Nam khai thác lợi thế từ ngành nuôi tôm nước lợ - một mặt hàng thủy sản đang còn nhiều dư địa. Tuy nhiên, một nghịch lý lúc này là các vùng nuôi tôm tiếp tục bị bỏ hoang - một thực tế kéo dài dai dẳng suốt nhiều năm qua. Vì sao người nuôi tôm sau khi đã đầu tư số vốn không hề nhỏ để có ao đìa nuôi tôm nay lại chấp nhận bỏ hoang?

Trại nuôi tôm, nơi trước đây người nuôi tôm luôn túc trực nay không một bóng người. Những con đường ở vùng nuôi tôm cũng thường xuyên vắng người, mặc dù, đây là thời gian cao điểm của vụ nuôi. Bỏ hoang vùng nuôi tôm giờ trở thành điều bình thường đối với những gia đình nuôi tôm cho dù họ đã đầu tư vào đây hàng trăm triệu đồng.

Chấp nhận bỏ hoang hồ tôm hoặc nuôi theo kiểu được chăng hay chớ là sự lựa chọn của những người nuôi tôm lúc này ở các tỉnh Nam Trung bộ. Họ buộc phải lựa chọn như vậy bởi liên tục nhiều năm qua, hiện tượng tôm chết non khi chỉ 1 tháng tuổi khá phổ biến. Tính bình quân, cứ 1.000 m2, nếu gặp rủi ro, mức thiệt hại không dưới 30 triệu đồng. Không phải một, hai lần mà nhiều lần, người nuôi tôm rơi vào tình cảnh này.

Diện tích nuôi tôm cả nước có khoảng 680.000 ha nhưng sản lượng trong 6 tháng đầu năm nay chỉ 190.000 tấn, bằng 28% kế hoạch cả năm. Ở khu vực Nam Trung bộ, sản lượng giảm sút trầm trọng khi diện tích hồ tôm bị bỏ hoang đã ở mức cao nhất từ trước đến giờ. Xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa có 288 ha hồ tôm nhưng diện tích nuôi tôm từ đầu năm đến nay chỉ là 30 ha, nghĩa là 10 phần thì 9 phần diện tích đã bị bỏ hoang.

Theo chính quyền các địa phương, khó khăn lúc này khi muốn hồi sinh cánh đồng tôm không phải vốn tái đầu tư mà hiện nay, nếu tiếp tục đầu tư liệu có tránh được rủi ro? Các mối nguy dẫn đến dịch bệnh làm tôm chết đã được nhận diện, đó là những hạn chế về môi trường nước, chất lượng con giống nhưng cho đến lúc này, các mối nguy đó vẫn chưa thể kiểm soát được.

Dự kiến năm nay, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ vượt 3 tỷ USD. Lẽ ra, mức tăng trưởng đó sẽ còn cao hơn nếu giải quyết được những vướng mắc, tháo gỡ tình trạng bỏ hoang vùng nuôi tôm.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trênTV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước