Chuẩn bị cho lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế, ngành y tế TP.HCM đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh như tăng số bàn khám bệnh, sử dụng thẻ Bảo hiểm Y tế có mã vạch, tăng thời gian khám bệnh của bác sĩ, cải tiến quy trình thu viện phí...
Ngày 9/5, UBND thành phố chính thức ban hành quyết định điều chỉnh giá viện phí tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn thành phố từ ngày 1/6/2014.
Mức điều chỉnh của đề án được áp dụng cho 378 cơ sở y tế công lập trên địa bàn TP.HCM; xây dựng theo lộ trình 3 năm và đạt mức tối đa khung giá đến năm 2016.
Cụ thể, từ ngày 1/6/2014, 477 dịch vụ kỹ thuật bao gồm: giá khám bệnh kiểm tra sức khỏe, khung giá một ngày giường bệnh, các dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm sẽ tăng 75%; 1.519 dịch vụ kỹ thuật trong nhóm các phẫu thuật, thủ thuật khác sẽ tăng 65%.
Từ ngày 1/6/2015, các dịch vụ kỹ thuật tiếp tục được điều chỉnh tăng tương ứng là 85% và 75%; đến ngày 1/6/2016 thực hiện điều chỉnh tăng 100% so với khung giá trong Thông tư liên tịch số 04/2012.
Riêng 25 dịch vụ kỹ thuật được quy định tại Thông tư liên tịch số 04 có giá bằng hoặc thấp hơn giá cũ được thực hiện bằng mức 100%.
Theo đánh giá, do trên 63% người dân thành phố đã tham gia bảo hiểm y tế nên việc điều chỉnh giá các dịch vụ kỹ thuật có tác động nhưng không nhiều, người bệnh chỉ phải đóng khoản đồng chi trả theo quy định mà không phải chi trả thêm các chi phí khác.
Bên cạnh đó, trong tổng chi phí khám, chữa bệnh thì 60% là thuốc và vật tư, 40% là phí các dịch vụ kỹ thuật, vì vậy lần này chỉ điều chỉnh tăng 40% phí các dịch vụ kỹ thuật. Người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, bảo trợ xã hội, trẻ em dưới 6 tuổi được hưởng chính sách theo quy định.
Như vậy, với việc điều chỉnh giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh áp dụng cho các cơ sở y tế công cộng trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh từ 1/6 tới, thì TP.HCM sẽ là địa phương cuối cùng trên cả nước tăng viện phí theo Thông tư của Bộ Y tế.