Điều này đã khiến TP.HCM yêu cầu các quận, huyện phải tìm giải pháp mạnh tay hơn, kiên quyết hơn và cũng sáng tạo hơn để giải quyết triệt để tình trạng xây dựng sai phép, không phép.
Thay vì thực hiện việc cưỡng chế các công trình sai phép theo đúng quy định, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM lại thực hiện một cách làm khác, đó là vận động tự nguyện tháo dỡ. Đi kèm với đó, phường sẽ hỗ trợ việc di dời, tìm nhà trọ giá rẻ trong lúc chờ nơi ở mới. Kết quả là trong số 20 công trình sai phép, có đến gần một nửa là tự nguyện di dời. Trong thời gian qua, phường đã kịp thời ngăn chặn được 3 căn nhà đang xây không phép trong một con hẻm sâu, vừa khó phát hiện lại khó quản lý.
Quận Tân Phú đã thành công khi giảm được 80% số vụ xây dựng sai phép, không phép từ năm 2017 tới nay. Giải pháp để ngăn chặn tình trạng này của địa phương là cần có sự giúp sức của ban, ngành khác.
Một giải pháp mang tính vĩ mô hơn là giải quyết gốc rễ của sai phạm này. Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, việc tăng dân số quá nhanh đã đẩy nhu cầu về nhà ở của thành phố tăng cao, khiến việc xây dựng ở các nơi, đặc biệt là vùng ven ngoại thành, khó có thể kiểm soát. Do đó, đáp ứng nhu cầu này cũng là một giải pháp thiết thực chống xây dựng sai phép
Một công cụ nữa cũng hữu hiệu không kém chính là các phần mềm trực tuyến về quản lý địa bàn của các quận, huyện. Với 1.200 thanh tra xây dựng như hiện nay, công cụ này sẽ giúp cán bộ thanh tra dễ phát hiện sai phạm hơn thông qua sự hỗ trợ của người dân. Bên cạnh đó, nếu có sự đồng thuận của người dân, việc phát hiện, xử lý xây dựng sai phép và không phép theo phương châm "không để xây dựng sai phạm hoàn thành" cũng mang lại hiệu quả hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!